Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thời gian vừa qua, đơn vị đã có nhiều văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải theo đúng lộ trình quy định. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô tại một số địa phương về giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021.
Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này. Các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hoá ít bị ảnh hưởng hơn và vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 5/2021, khối lượng vận tải khách đường bộ đạt trên 265.000 người, giảm 15% so với tháng 4 nhưng lại tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khối lượng vận chuyển hàng hoá lại tăng 2,9% so với tháng 4/2021 và tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ phân tích trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo, chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, từ 1/7/2021, các xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, đầu kéo đều phải lắp camera theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
“Nhiều doanh nghiệp không có tiền đầu tư thiết bị vì doanh thu giảm sút do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các đơn vị vận tải hành khách bị thiệt hại nặng hơn vận tải hàng hóa. Các doanh nghiệp sẽ vẫn phải lắp camera theo đúng lộ trình của Chính phủ quy định, song việc xử phạt có thể chậm hơn", bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đã quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về thiết bị giám sát hành trình đối với lái xe và doanh nghiệp.
Theo đó, đối với lái xe: Điều 24 của Nghị định này quy định xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định đối với loại xe có quy định phải lắp camera hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Đối với doanh nghiệp: Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.