Việt Nam xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó.
Trong tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, ước tính tăng 0,1% so với tháng trước (đạt 58,21 tỷ USD) và chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước nhưng giảm gần 5% so với so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,7 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước nhưng tăng 8% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước; xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản chiếm 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng KNXK cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.
Về nhập khẩu hàng hóa, tháng 10/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, giảm 1,2%.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 105 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198 tỷ USD, tăng 12%.
Như vậy, tháng 10/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỷ USD.
Hai tháng cuối năm còn nhiều khó khăn
Theo đại diện Bộ Công Thương, bối cảnh quốc tế trong thời gian tới có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa chính trị khác nhau tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại. Xu hướng bảo hộ thương mại khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước;
Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD. Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế... dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).
Ở trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước và một số ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp rắp linh kiện điện tử, chế biến gỗ... Trong khi đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước.
Đặc biệt, đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Việc tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử, nhựa….) gây sức ép giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, triển vọng đơn hàng cho quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022 tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu. Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục khi các quốc gia vẫn tăng cường việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thiếu vốn và tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn ảnh hưởng đến phục hồi và mở rộng sản xuất.
Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành. Đồng thời, khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững.
Đặc biệt, bộ sẽ tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO… cần được đẩy nhanh thông qua việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục).
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu….