Triển khai Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, từ ngày 10/1/2013, có 70% số cửa hàng kinh doanh vàng miếng trên thị trường chính thức ngừng hoạt động. Đây được xem là một sự thay đổi lớn trong quản lý thị trường vàng sẽ tạo ra nhiều biến động đối với thị trường. Để có thêm cái nhìn khách quan từ phía doanh nghiệp (DN), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, về một số vấn đề liên quan.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. |
- Phóng viên: Từ 10/1/2013 , việc kinh doanh vàng miếng bắt đầu theo cơ chế mới. Theo đánh giá của ông, hướng đi này có giúp thị trường minh bạch hơn không và người dân sẽ có thuận lợi gì tham gia mua bán vàng miếng? - Ông Đỗ Minh Phú: Có thể thấy Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ với mục tiêu kiểm soát thị trường vàng miếng, đưa ra quy định những doanh nghiệp có đủ điều kiện đáp ứng theo Nghị định 24 mới được kinh doanh vàng miếng. Các đơn vị muốn kinh doanh vàng miếng phải tuân thủ những quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), điều này rõ ràng sẽ giúp tăng tính minh bạch cho thị trường.
Trước đây, chúng ta đi bất kỳ đâu cũng thấy được các cửa hàng bán vàng, giá được viết tạm trên những tấm bảng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không còn nữa, các điểm kinh doanh vàng miếng hiện nay phải niêm yết giá công khai trên bảng giá điện tử, viết hóa đơn bảo đảm cho khách mua vàng. Điều này không chỉ giúp chống thất thu ngân sách mà còn giúp người dân có thể bán lại một cách dễ dàng hoặc khiếu nại khi có vấn đề trục trặc trong giao dịch.
Trước đây, có hiện tượng găm giữ vàng, tạo ra tình trạng thiếu hụt hàng khiến thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát. Khi Nghị định 24 ban hành, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp lớn sẽ phải chuẩn bị đầy đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường. Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không có quyền từ chối bán vàng cho khách hàng. Người dân mua vàng không chỉ để dùng mà còn là phương tiện tích trữ nên tính thanh khoản hết sức quan trọng. Việc mua bán vàng trở nên công khai, rõ ràng cũng giúp các cơ quan chức năng có điều kiện để giám sát thị trường.
- Phóng viên: Ông có cho rằng, việc thu hẹp điểm giao dịch sẽ gây khó khăn cho người mua vàng? - Ông Đỗ Minh Phú: Đang từ 12.000 điểm kinh doanh mà bây giờ chỉ có 2.500 điểm rõ ràng có sự thu hẹp. Tuy vậy, các ngân hàng thương mại có tham gia kinh doanh vàng miếng, vì thế sẽ có mạng lưới đến các huyện, thị trấn. Tất nhiên, cũng có khó khăn hơn khi mạng lưới kinh doanh vàng không nhiều như trước được, song chúng tôi cho rằng việc mua bán vàng miếng của người dân không phải nhu cầu quá thiết yếu.
- Phóng viên: Là một người đã nhiều năm tham gia kinh doanh trên thị trường vàng, theo ông, có thể xuất hiện khả năng độc quyền, đầu cơ và làm giá vàng hay không? - Ông Đỗ Minh Phú: Trước đây, có 8 thương hiệu vàng miếng cùng kinh doanh trên thị trường còn bây giờ chỉ có thương hiệu vàng SJC do NHNN lựa chọn. NHNN đã tuyên bố độc quyền sản xuất thương hiệu vàng này. Tuy vậy, lượng vàng mà người dân nắm giữ mới là quan trọng. Theo số liệu chúng tôi ghi nhận, hiện nay, lượng vàng trong dân và các tổ chức kinh tế lên tới 300 – 350 tấn, trong đó thương hiệu vàng SJC đã chiếm tới 80% các giao dịch vàng.
Như vậy, lượng vàng SJC người dân nắm giữ là cực kỳ lớn nên khả năng chi phối, độc quyền về giá không phải là dễ. Cùng với đó, có tới gần 40 điểm đầu mối kinh doanh, 2.500 điểm kinh doanh, nên việc chi phối thao túng thị trường cũng không dễ. Hơn nữa, NHNN đã tuyên bố sẽ tham gia kiến tạo thị trường, tham gia mua bán cuối cùng trên thị trường vàng nên khả năng độc quyền của 1 cá nhân, tổ chức nào đó lại càng khó.
- Phóng viên: DN của ông đã chuẩn bị những gì để tham gia kinh doanh vàng miếng theo cơ chế mới? - Ông Đỗ Minh Phú: Riêng với chúng tôi, Tập đoàn Doji và Ngân hàng Tiên Phong là 2 đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng trong đợt đầu tiên đã chuẩn bị khá kỹ cho quá trình này, cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Chúng tôi đã nâng cấp tất cả các điểm giao dịch vàng, những điểm giao dịch của Ngân hàng, phòng giao dịch, quỹ tiết kiếm, chi nhánh… đồng thời thực hiện nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật để việc quản lý vàng được tập trung.
Tất cả các giao dịch vàng, ngay cả người dân mua 1 chỉ vàng thì ngay lập tức được chuyển về hệ thống để giảm thiểu nguồn lực bị phân tán. Việc quan trọng nữa là toàn bộ nhân viên tham gia giao dịch vàng được đào tạo rất bài bản như nhận biết về vàng giả, vàng nhái, các quy trình, quy định về việc giám sát miếng vàng bán ra, kiểm tra vàng mua vào...
Chúng tôi cũng rất chú trọng vấn đề kiểm soát rủi ro, bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của người dân, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng về tiền, vàng để khi có bất cứ giao dịch nào đều có thể đáp ứng được.
- Phóng viên: Ông nhận định thế nào về thị trường vàng năm 2013, liệu khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới có được rút ngắn không và ở mức bao nhiêu thì hợp lý?
- Ông Đỗ Minh Phú: Năm 2013, nhìn chung kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, các nhà đầu tư vẫn tìm những kênh đầu tư an toàn và vàng là nơi "khá yên tâm" đối với họ. Vì vậy, thị trường vàng vẫn còn ở trong chu kỳ tăng, nhưng vàng sẽ không tăng cao như những năm trước. Mức tăng sẽ không tăng đến 25 – 34% như những năm trước đó nhưng có thể sẽ dao động tương tự như năm 2012, thậm chí có thể cao hơn một chút.
NHNN đã đưa ra thông điệp thể hiện sự quyết tâm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Trên thị trường những ngày đầu năm 2013, giá vàng trong nước đã có xu hướng kéo gần với giá vàng quốc tế, từ chênh nhau 4 triệu đồng xuống 3 triệu đồng. Đây cũng là 1 tín hiệu tích cực. Giá vàng trong nước và quốc tế càng gần nhau thì người tiêu dùng càng đỡ bị thiệt hại, và đó mới là sự phản ánh thực sự quy luật cung cầu và yếu tố thị trường.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Quốc Huy (thực hiện)