Kinh tế 6 tháng: Vững vàng 'mục tiêu kép'

Nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 và đợt bùng phát thứ tư có mức độ lây lan rộng hơn, tiến sâu hơn vào các khu vực sản xuất tập trung tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 5,64%. Mặc dù tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ và mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này cho thấy, những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả với “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Người dân là trung tâm

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch với phương châm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân phải là trên hết, trước hết, đồng thời giữ ổn định sản xuất kinh doanh.

Quan điểm này vẫn nhất quán kể từ khi dịch mới xuất hiện lần đầu tiên năm 2020 tại Vũ Hán (Trung Quốc) lan rộng, gây ảnh hưởng đến toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Qua mỗi lần dịch quay trở lại, các đối sách của Việt Nam đều có sự điều chỉnh linh hoạt. Việt Nam đã vững vàng vượt qua 3 lần bùng phát dịch và đặc biệt khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 trở nên nguy hiểm đe dọa an toàn toàn cầu, đối sách của Việt Nam đã chuyển cấp độ từ 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) sang 5K+vaccine.

Lấy người dân làm trung tâm, “mục tiêu kép” làm hành động, các Nghị quyết, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành ngay khi dịch xuất hiện tại Việt Nam đã phát huy tác dụng trong phòng, chống dịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể kể đến các Nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác; số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; số 135/2020/QH14 về tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Hay các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ như Nghị quyết số 936/2020/UBTVQH14 về phân bổ hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19; số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; số 979/2020/UBTVQH14 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 về sửa đổi mộtt số nội dung của Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP  về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19…

Nhờ đó, GDP quý I/2021 của Việt Nam đã tăng mạnh trở lại 4,48%, cao hơn mức tăng 3,82% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo có sự tăng trưởng khởi đầu mạnh mẽ tới 9,45% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng bất ngờ, cơn bão COVID-19 lần thứ tư đã bùng phát trở lại len lỏi vào các khu công nghiệp, cộng đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp độ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên kiên định mục tiêu kép cùng các giải pháp linh hoạt thích ứng từng tình huống, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn đạt những kết quả khả quan.

Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng của Việt Nam đạt 5,64%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng năm 2020; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,4%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Đẩy nhanh chiến lược vaccine

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trước diễn biến nguy hiểm của dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Việt Nam sẽ chỉ phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường và “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19”.

Theo người đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn, Việt Nam không thể mãi đóng cửa. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi, các biến chủng của virus nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn. Vì vậy, việc thực hiện thành công chiến lược vaccine có vai trò quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch tiến tới miễn dịch cộng đồng, tạo ra cơ sở quan trọng để bắt nhịp với nền kinh tế thế giới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay sẽ gây nhiều khó khăn cho phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp của Việt Nam.

Vì vậy, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc.

Hiện Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược vaccine và phấn đấu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với gấp rút triển khai chiến lược vaccine, Việt Nam vẫn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đặt ra từ đầu năm.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries, Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch, vừa tăng trưởng kinh tế. 

Nhận định này được đại diện ADB đưa ra trên cơ sở lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam có sự khởi đầu mạnh mẽ trong quý I/2021 và được dự báo tăng 9,5% trong năm nay, đóng góp 3,5% cho tăng trưởng GDP. Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Mỹ - Trung Quốc cũng như tác động từ 15 Hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam tham gia sẽ làm gia tăng xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, trong điều kiện nhiều quốc gia mở rộng sản xuất, nhu cầu nguyên - nhiên vật liệu, phụ tùng đầu vào tăng lên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, từ đó tạo lực đẩy cho kinh tế tăng trưởng.

Cùng với triển vọng xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm vốn đầu tư nước ngoài từ đăng ký mới và điều chỉnh tiếp tục tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ “ngôi vương” chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cho thấy Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu từ nước ngoài.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ tín dụng với dự kiến đến cuối tháng 6 tăng từ 5,5-6% so với cuối năm 2020; trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,26% cũng minh chứng sức hấp thụ vốn của khu vực sản xuất.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay như Chính phủ đặt ra, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trước hết là tốc độ giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế được Chính phủ đề ra từ năm 2020 đến nay đang rất chậm. Theo Bộ Tài chính đến cuối tháng 5/2021, cả nước giải ngân được 117.493 tỷ đồng, đạt 20,32% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Có tới 39/50 bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%; trong đó, có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Nguyên nhân được Bộ Tài chính đưa ra do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã làm chậm tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Tình hình giá cả tăng cao còn diễn ra ở nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp do đứt gẫy chuỗi cung ứng cũng gây e ngại tới gia tăng chỉ số lạm phát.

Mặc dù số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 6tháng đầu năm có xu hướng tăng nhưng có tới 70.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tương đương trung bình mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy khu vực này vẫn rất khó khăn.

Để thúc đẩy khu vực sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ một loạt cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19.

Cụ thể, Bộ này đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp gồm hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải. Hệ thống ngân hàng giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Khi cần thiết, cấp bách các địa phương có thể nghiên cứu, sử dụng cơ chế của Hội đồng nhân dân để quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng trị giá trên 27.300 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề; hỗ trợ tiền khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ khi bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch… Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất.

Ngay lập tức, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 tiếp tục giảm 29 khoản phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp đã thực hiện trong năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu 1 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về khơi thông nguồn vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo hệ thống tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm trong thời gian tới, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế...

Với một loạt chính sách trên, cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu kép là vừa ngăn chặn đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế như nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Thu Hạnh (TTXVN)
Thủ tướng: Chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép
Thủ tướng: Chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép

Chiều 26/6, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, để động viên, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch COVID-19, bàn và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN