Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019, với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ gồm: người cung cấp dịch vụ, người sử dụng và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng… Qua đó, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.
Bàn về xu hướng phát triển của các mô hình kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả kinh tế chia sẻ trong giới doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết, trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp trên thế giới ngày càng quan tâm đến các sáng kiến, mô hình kinh doanh.
Song tại Việt Nam, nền kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn vẫn là khái niệm còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro do khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển bền vững quốc gia.
Đó cũng là khởi nguồn của cuộc vận động Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018 và Bộ Chỉ số Phát triển doanh nghiệp sẽ được thông báo kết quả chính thức vào ngày 23/10 tới nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.
Qua đó, vinh danh các điển hình tiên tiến, các mô hình đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các mô hình kinh tế chia sẻ nhằm hướng tới một nền kinh tế Xanh - hài hòa và thân thiện với môi trường vốn đang được cả cộng đồng xã hội quan tâm thúc đẩy, ông Vinh cho hay.
Có nhiều khái niệm kinh tế chia sẻ được đưa ra; trong đó tập trung đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng.
Bên cạnh đó, có người cho rằng khái niệm hay định nghĩa, hàm ý của kinh tế chia sẻ cũng tương tự như kinh tế tuần hoàn. Nói theo cách khác là đầu ra cho sản phẩm này có thể là đầu vào của hoạt động sản xuất khác để tạo nên một chu trình khép kín nhằm giảm thiểu tối đa các hợp chất thải loại và các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Xét ở góc độ nào thì việc phát triển nền kinh tế dựa trên nguyên tắc chia sẻ và có lợi cho việc duy trì tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường xung quanh đều mang ý nghĩa tích cực về kinh tế, nhân văn về đạo đức xã hội và xứng đáng được cổ vũ, thúc đẩy và phát triển rộng rãi.
Thực tế cho thấy, với sự xuất hiện và phát triển lớn mạnh của các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển như Grab, Uber đã tạo làn sóng mới về kinh tế chia sẻ đi đôi với ứng dụng công nghệ khiến gia tăng áp lực cạnh tranh và buộc các doanh nghiệp vận tải trong nước phải thay đổi để thích ứng.
Cụ thể là xu hướng cải tiến chất lượng dịch vụ, điều chỉnh hệ thống giá cước hợp lý hơn với nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi để kích cầu hay sáng kiến cho ra mắt những sản phẩm mới đậm chất chia sẻ như đi ghép xe cho hành khách cùng tuyến đường hoặc trên một tuyến đường dài để tiết kiệm chi phí cho người dùng…
Cơ bản và xét đến cùng thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng được hưởng lợi chính đáng và dù có nhiều ý kiến khác nhau về sự cạnh tranh không công bằng hay sự phản đối của các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải truyền thống thì đông đảo người dân đều ủng hộ quan điểm cần thúc đẩy sự phát triển hoạt động kinh tế mang tính chia sẻ. Qua đó, tạo động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho hay, với Đề án này, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam muốn thành công cần năng lực công nghệ “khủng”, hội tụ đủ các yếu tố về đổi mới, sáng tạo, thậm chí là sự bền bỉ, gan dạ để đương đầu với các đối thủ cạnh tranh có bề dày về phát triển công nghệ. Tuy nhiên, cơ hội sẽ rất lớn bởi đây là thị trường rất mới mẻ với nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, với nguồn vốn hạn hẹp, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả năng sử dụng các sản phẩm công nghệ còn chưa cao… sẽ khiến các startup công nghệ ở Việt Nam “thiếu đất sống” hay “không có đất dụng võ”.
Hệ lụy có thể không chỉ là việc chảy máu chất xám mà còn khó tạo được môi trường, hành lang pháp lý để khai phá và tạo đà phát triển cho cộng đồng startup công nghệ ở Việt Nam. Khó khăn là vậy, song cũng không ít ý kiến cho rằng, dù khó khăn đến đâu cũng phải làm và phải làm rốt ráo. Có như vậy Việt Nam mới có chỗ đứng và vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.
Là một trong những nhà sáng lập ra hãng taxi công nghệ thuần Việt, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FastGo Việt Nam (Tập đoàn Nexttech) cho biết, trong cuộc cách mạng 4.0, các ứng dụng phải liên tiếp phát triển nền tảng công nghệ để cung cấp cho người dùng trải nghiệm và lợi ích tối ưu nhất.
FastGo tận dụng lợi thế nền tảng công nghệ vững chắc, mạng lưới đối tác hàng chục nghìn doanh nghiệp và hàng triệu người dùng sẵn có của hệ sinh thái NextTech để tập trung tạo ra các giá trị gia tăng cung cấp cho họ.
Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ là một tín hiệu tốt và là động lực cho các startup, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ là một trong những thành phần quan trọng, dẫn dắt các mô hình kinh tế mới dựa trên ứng dụng công nghệ để khai thác các nguồn lực dư thừa trong xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, để Đề án phát huy hiệu quả thì rất cần các doanh nghiệp tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ các hoạt động cũng như những khó khăn để các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp thực hiện giấc mơ "thay đổi công nghệ - thay đổi tương lai” cho chính mình, người dân và đất nước.