Sau khi triển khai chương trình nới lỏng định lượng (QE) kể từ đầu tháng 3, kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bước đầu đã có dấu hiệu sáng sủa hơn.
Chương trình QE này được triển khai bằng cách bơm 60 tỷ euro/tháng vào các nền kinh tế khu vực thông qua việc mua lại trên thị trường thứ cấp trái phiếu của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân.
Logo của đồng euro bên ngoài trụ sở cũ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN |
Mặc dù chương trình QE sẽ kéo dài từ nay cho đến ít nhất tháng 9/2016 hoặc cho đến khi lạm phát của toàn Eurozone hướng đến mục tiêu 2%, song hiệu ứng tích cực từ dòng tiền “khủng” QE dường như bắt đầu làm thay đổi diện mạo kinh tế khu vực, kéo tỷ giá đồng euro xuống thấp kỷ lục so với USD, qua đó tạo lợi thế xuất khẩu nhiều hơn cho các doanh nghiệp châu Âu.
Trên lý thuyết, gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá tổng cộng hơn 1.100 tỷ euro này sẽ giúp tăng lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính, khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay thêm tiền, tăng mua sắm và đầu tư.
Việc triển khai QE để bơm tiền vào thị trường sẽ giúp duy trì lãi suất cho vay thấp qua đó kích cầu nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia, bản chất của việc này là in thêm tiền nhằm cứu các nền kinh tế khỏi gánh nặng nợ công.
Trong ngắn hạn, việc bơm một lượng thanh khoản lớn như vậy góp phần khôi phục lại niềm tin của khu vực tư nhân, các nhà đầu tư và có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế. Gói QE làm giảm tỷ giá đồng euro so với các đồng tiền khác, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh về giá trong xuất khẩu của các doanh nghiệp khu vực đồng euro và thúc đẩy tăng trưởng. Theo Standard & Poor's, gói QE giúp tăng trưởng GDP khu vực Eurozone thêm khoảng 0,3%.
Do có một lượng lớn euro được bơm vào thị trường, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất, tỷ giá đồng euro tiếp tục giữ ở mức rất thấp so với USD, thậm chí trong phiên giao dịch ngày 16/3 vừa qua, tỷ giá đồng euro so với USD tụt xuống 1,0451 USD đổi được1 euro, mức thấp kỷ lục trong 12 năm qua.
Giá trị đồng euro xuống thấp tạo đà rất lớn cho các công ty xuất khẩu châu Âu, đẩy giá trị tài sản mà họ đang nắm giữ bằng đồng USD ở nước ngoài tăng vọt, qua đó buộc các đối thủ Mỹ phải thích ứng với bối cảnh mới hoặc sẽ đánh mất thị phần của mình.
Giám đốc điều hành tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal của Pháp, Jean-Paul Agon cho biết: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi luôn thiệt thòi khi giá trị đồng euro ở mức cao, nhưng hiện giờ gió đã đổi chiều và chúng tôi sẽ tận dụng hiệu ứng tiền tệ tích cực hiện nay để thúc đẩy doanh số bán và lợi nhuận trong năm 2015”.
Ảnh hưởng của QE cũng hiện rõ trên thị trường trái phiếu khi lợi suất trái phiếu của gần như toàn bộ các quốc gia Khu vực sử dụng đồng euro đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ngày 10/3, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu chương trình mua trái phiếu.
Italy, Tây Ban Nha, Ireland, Áo, Hà Lan, Đức và Phần Lan đều chứng khiến trái phiếu chính phủ của nước họ giảm xuống các mức thấp kỷ lục. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha, Italy và Ireland giảm khá nhiều xuống các mức tương ứng 1,18%, 1,22% và 0,76%. Trong khi lợi suất trái phiếu cùng kỳ của Áo, Bỉ, Phần Lan, Đức và Pháp cũng giảm.
Antonio Torralba, người đứng đầu Trung tâm giao dịch tài chính BBVA tại Madrid (Tây Ban Nha), cho biết khách hàng bán chủ chốt của ECB là các trung tâm giao dịch, vốn nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ từ các đợt chào bán trước đó.
Trong ngày đầu của QE, các ngân hàng trung ương mua chủ yếu loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm. Còn trong ngày 10/3, lượng mua vào được nới rộng lên một số loại trái phiếu có kỳ hạn dài hơn. Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Đức giảm mạnh xuống còn 0,73%.
Trước khi thực hiện QE, ECB đã phải nhận rất nhiều chỉ trích (đặc biệt là từ nước Đức) cùng sự hoài nghi về thành công của chương trình này. Họ cho rằng đây sẽ là nguyên nhân làm giảm áp lực đối với các nước Eurozone trong việc đưa tài chính công và nền kinh tế vào khuôn khổ kỷ luật.
Bên cạnh đó, một số nhà quan sát cũng cảnh báo rằng, mặc dù đã mang lại những thành công lớn ở Mỹ và Anh, nhưng QE chưa chắc đã là một “phương thuốc hiệu quả” đối với châu Âu.
Capital Economics, công ty tư vấn và nghiên cứu về kinh tế có trụ sở tại London, trong một báo cáo đã nhận định rằng thị trường lao động tại châu Âu vẫn đang phát đi những tín hiệu cho thấy sự chùng xuống, bất chấp số liệu thất nghiệp đã giảm gần đây. Các nhà quan sát cũng cho rằng, dù mối lo giảm phát đang giảm dần, tình trạng lạm phát thấp sẽ kéo dài và ECB sẽ phải duy trì QE lâu hơn so với kế hoạch.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Mario Draghi một lần nữa bày tỏ sự lạc quan hơn vào triển vọng kinh tế khu vực, đặc biệt là nhờ chương trình mua trái phiếu với quy mô lớn. Ông khẳng định chương trình thu mua trái phiếu quy mô lớn mà ECB đang triển khai sẽ không khiến các chính phủ Eurozone giảm bớt động lực cải cách kinh tế, bởi chương trình này sẽ góp phần khiến các biện pháp cải cách trở nên hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm, tỷ giá đồng euro yếu cũng như các biện pháp và chính sách tiền tệ của ECB đã có tác động tích cực đến nền kinh tế khu vực. Cụ thể là điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp và các gia đình đã được cải thiện đáng kể, và nhu cầu tín dụng cũng ổn định.
Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ECB đã hỗ trợ và tạo cơ sở cho những diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế khu vực. Với sự tin tưởng hơn của doanh nghiệp và người tiêu dùng, hiệu quả của các biện pháp chính sách mà ECB thực hiện đến nền kinh tế sẽ còn lớn hơn, góp phần cải thiện triển vọng tăng trưởng.
Trong quý IV/2014, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó, cao hơn dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế. ECB cũng vừa điều chỉnh nâng dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong các năm 2015, 2016 và 2017 lần lượt lên các mức 1,5%, 1,9% và 2,1%.
Một báo cáo khác mới công bố cho thấy kinh tế Eurozone trong tháng 2/2015 tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng qua, khi đồng euro giảm giá hỗ trợ niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của công ty dịch vụ thông tin tài chính Markit cho biết, triển vọng hiện khá sáng sủa đối với tất cả quốc gia trong khu vực và hoạt động kinh tế khu vực trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của một loạt yếu tố trong đó yếu tố đồng euro giảm giá và "có lẽ quan trọng nhất” là việc ECB bắt đầu khởi động chương trình mua trái phiếu trị giá 1.000 tỷ euro.
Việt Khoa (TTXVN)