Qua 9 tháng năm 2014, kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nổi bật ở các chỉ số như: xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tăng cao, trong khi hàng tồn kho giảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp; vốn ODA và FDI thực hiện vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết như vậy tại cuộc giao ban giữa Bộ với các bộ, ban, ngành, địa phương ngày 26/9, tại Hà Nội.
Nhiều chỉ số vượt kế hoạch
Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng qua, GDP tăng 5,54% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%); trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,12%; dịch vụ tăng khoảng 6,02%.
Với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, phản ánh rõ nhất về năng lực doanh nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 6,7%; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,4%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 11,2%.
Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Hunex (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Bộ Công Thương cho biết, đây là mức tăng trưởng cao nhất. Thông qua mức tăng trưởng hàng tháng, sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi; đặc biệt đối với dệt may và da giày. Hai mặt hàng này có mức tăng trưởng cao hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
“Việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ đang đi đúng hướng, thị trường có nhiều yếu tố tích cực. Tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại đều có nhiều tín hiệu khả quan, công nghiệp, dịch vụ tăng ổn định... Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra, các bộ ngành cần tích cực hơn, bám sát thị trường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tháo gỡ tín dụng, thủ tục hành chính…”.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Hiếu |
Xuất khẩu là một trong những điểm sáng trong 9 tháng qua khi tổng kim ngạch của cả nước ước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm; dầu thô, điện thoại và linh kiện điện thoại các loại, dệt may, da giày, cà phê, đồ gỗ… Với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 107,2 tỷ USD, cả nước xuất siêu đạt khoảng 2,47 tỷ USD, bằng 2,25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Huỳnh Đắc Thắng nhận định, cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu là có lợi, không gây áp lực lên cán cân thanh toán, không gây “bức bách” về ngoại tệ cho đất nước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận xét, khi CPI tăng thấp sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động nhưng vẫn huy động tiền gửi, cải thiện thanh khoản, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay.
Một chỉ số quan trọng khác cũng nhận được sự đánh giá tốt là vốn đầu tư phát triển. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đạt gần 834.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách tính đến 15/9 đạt 597,5 nghìn tỷ đồng, bằng 76,3% dự toán cả năm.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm của cả nước vào nền kinh tế trong 9 tháng là 741.828 tỷ đồng; bao gồm: số vốn đăng ký của các doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới là 320.349 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký bổ sung của các DN thay đổi tăng vốn là 421.479 tỷ đồng (tương ứng với khoảng 17.000 lượt đăng ký thay đổi).
Như vậy, một bộ phận DN sau thời gian hoạt động và khẳng định được vị trí trên thị trường đã linh hoạt, biết tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Đây là những nhân tố được hy vọng sẽ góp phần giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tốc độ tăng trưởng khi tình hình kinh tế thế giới nói chung chưa có nhiều khởi sắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phát triển thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, dù các DN vẫn duy trì hoạt động tuy nhiên vướng nhất vẫn là đầu ra, do đó cần có các gói kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho. Để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 5,8% trong năm nay, một trong những giải pháp trước mắt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ kịp thời các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN một cách có trách nhiệm và tích cực. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như thuế, phát triển thị trường cũng cần được các địa phương tập trung tháo gỡ.
Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kích cầu, giải quyết khó khăn hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh. Đây sẽ là một trong những giải pháp hàng đầu trong quý tới; tiếp đến, các địa phương cần tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ cho ngư dân phát triển khai thác biển; đồng thời, có thêm hướng dẫn về xây dựng kế hoạch vốn trung và dài hạn, đại diện thành phố Đà Nẵng cho biết như vậy.
Đối với tăng cường đầu tư thu hút FDI, ông Vũ Văn Trung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng ở lĩnh vực này, đầu tư FDI lại tăng lên. Theo ông Trung, thời gian qua, số lượng đầu tư của các DN FDI giảm dần nhưng chúng ta đang hướng đến những dự án có chất lượng ngày càng tốt hơn. Do đó, cần phải nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và trên thực tế nhiều địa phương hiện nay đã bắt đầu có sự chọn lọc.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, thị trường trong nước, hàng hóa dồi dào do cung được bảo đảm, nhưng do kinh tế phục hồi chậm, thu nhập người dân ít được cải thiện nên mức tiêu thụ không cao, sức mua vẫn chậm. Do đó, để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu những tháng cuối năm, các địa phương đề xuất thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại chung nhằm tập trung vào một đầu mối gồm đầu tư trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại, xuất khẩu và du lịch; đồng thời, tăng cường hỗ trợ DN như: giảm thuế, cải cách hành chính, làm tốt công tác nghiên cứu và công bố quy hoạch…
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp có vai trò lớn nhưng việc thu hút đầu tư lại gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, nguồn lực để phát triển ngành còn hạn chế, trong khi ngành đang cần thêm nhiều nguồn lực để tái cơ cấu lại ngành, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, phát triển ngành thủy sản, vì vậy, đề nghị cần hỗ trợ thêm nguồn lực để ngành nông nghiệp phát triển.
Hữu Vinh - Thúy Hiền