Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba đã thông qua gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Trong gói chi tiêu có bao gồm các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ phúc lợi bổ sung cho người thất nghiệp và một khoản tiền trực tiếp chuyển tới cho tất cả người dân Mỹ. Những biện pháp trên được cho là đã xoa dịu phần nào những tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Fed cũng đã hạ lãi suất cho vay chuẩn xuống quanh mức 0%, đồng thời tung ra lượng thanh khoản trị giá hàng nghìn tỷ USD cho thị trường tài chính Mỹ. Tại cuộc họp tháng Bảy, ngân hàng trung ương này đã giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp này cho thấy một số thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) lo lắng về điều gì sẽ xảy ra khi các biện pháp kích thích nêu trên của Quốc hội hết hạn vào ngày 31/7.
Biên bản cho biết trong bối cảnh một số điều khoản của Đạo luật CARES hết hiệu lực khi thị trường lao động vẫn còn yếu một số quan chức Fed nhận định các biện pháp tài chính bổ sung có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các gia đình thuộc nhóm dễ bị tổn thương và qua đó là cả nền kinh tế trong giai đoạn phía trước.
Các thành viên FOMC nhìn chung đồng ý rằng khả năng cải thiện đáng kể của thị trường lao động Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại ở quy mô lớn và bền vững hơn hay không. Song điều này cũng lại phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của các biện pháp y tế nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Giới chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhưng hy vọng về một dự luật chi tiêu mới đang khá mờ nhạt trong những tuần gần đây, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán kéo dài.
Trong một phân tích công bố sau đó, công ty tư vấn tài chính Oxford Economics cho biết biên bản này cho thấy Fed lo ngại như thế nào về thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. Theo Oxford Economics, các thành viên FOMC đã nhìn thấy những rủi ro suy giảm đáng kể đối với triển vọng nền kinh tế và chúng đã tăng lên do các nhà hoạch định chính sách chưa đưa ra các biện pháp cứu trợ tiếp theo.
Công ty tư vấn trên cũng lưu ý rằng FOMC có đề cập về tác động bất bình đẳng của suy thoái kinh tế. Các quan chức Fed cho hay tình trạng mất việc làm tập trung ở nhóm những người lao động có mức lương thấp hơn, đặc biệt là những người làm trong ngành dịch vụ hoặc những công việc khác rất khó tiến hành việc giãn cách xã hội.
Nền kinh tế Mỹ đã “co lại” 32,9% trong quý II/2020 - mức giảm sâu nhất kể từ khi Chính phủ bắt đầu lưu trữ số liệu loại này vào năm 1947, giữa bối cảnh nước Mỹ phải vật lộn với tác động của giai đoạn phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19. Theo một số ước tính, nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ phục hồi trong quý III, nhưng sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 trong thời gian gần đây đã cản trở nỗ lực mở cửa lại của một số bang.