Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Không say sưa với thành tích, thắng lợi
Bước vào năm 2017, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ sự sụt giảm của ngành khai khoáng, cùng với giá thịt lợn giảm mạnh, thiên tai, bão, lũ liên tiếp xảy ra tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và thách thức mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của cả nước.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị, chính sách thương mại của một số nước lớn là những thách thức đối với kinh tế nước ta.
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng có nhiều điểm sáng trong năm 2018. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Chính vì vậy, trong quý I/2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam chỉ tăng trưởng có 5,15%. Đến quý II/2017, nền kinh tế được cải thiện (tăng 6,28%) nhờ các chính sách quyết liệt của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tới quý III/2017, GDP tăng tới 7,46% và quý IV tăng 7,65%, tính chung tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Cùng với chỉ số GDP, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội kế hoạch đề ra.
Nhiều thành tựu kinh tế - xã hội khác cũng được đánh giá là đã tạo được những kỳ tích mới như: kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp được thành lập mới, thu hút du khách quốc tế, chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh... qua đó khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn, không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi.
Điểm lại tình hình năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của nền kinh tế trong năm 2017, đó là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh thấp. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của thị trường quốc tế còn yếu…
Còn theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, dự kiến quý I/2018 so với quý IV/2017, chỉ có gần một nửa số doanh nghiệp được điều tra (48,2%) đánh giá xu hướng sẽ tốt lên. Vẫn còn 16,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV/2017, có 61,1% số doanh nghiệp cho rằng, khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 45,1% cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,7% cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,5% không tuyển được lao động theo yêu cầu; 27,9% cho rằng lãi suất cao và 22,2% cho rằng tính cạnh tranh cao của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.
Trước những thách thức đó, Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu cho năm 2018 với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%), trong đó: Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%; khu vực dịch vụ 7,4%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng 7%-8%); trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36-37 tỷ USD.
Quyết tâm bứt phá mạnh mẽ hơn nữa
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Phát huy kết quả đạt được của năm 2017, Chính phủ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 đã được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua.
Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải có giải phápđể sự phát triển của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để không bị dẫm chân vào chiếc bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh cho mọi người dân Việt Nam và không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển”.
Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cho năm 2018, Chính phủ xác định phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2018, trong đó trọng tâm là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Chính phủ cũng quyết tâm điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách vĩ mô; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối... Tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; triệt để tiết kiệm chi NSNN. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công. Đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT.
Thúc đẩy xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, nhất là kiểm tra chuyên ngành. Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả. Tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế. Phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính; tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ quyết tâm thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại NSNN và bảo đảm bền vững an toàn nợ công.
Chính phủ cũng xác định, việc đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy xã hội hóa.
Yêu cầu đặt ra với thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 2018 là tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn, không say sưa với thành tích, thắng lợi. Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Xin đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Một đất nước thu nhập bình quân 2.335 USD thì có gì quá phấn khởi. Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt lên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra".