Kinh tế toàn cầu qua sự biến động giá dầu

Năm 2014, bức tranh kinh tế toàn cầu bị tác động bởi giá dầu mỏ trên thị trường thế giới giảm mạnh. Việc giá dầu mỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua, có lúc ở mức 55 USD/thùng, đã gây thiệt hại đáng kể cho các nước xuất khẩu dầu mỏ, song cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho những nước tiêu thụ nhiều năng lượng và nhập khẩu khối lượng lớn mặt hàng chiến lược này.

Theo một số nhà phân tích, việc giá dầu mỏ thế giới giảm hơn 50% trong vòng 6 tháng qua là do các hoạt động kinh tế yếu kém dẫn đến nhu cầu đối với mặt hàng này giảm. Cùng với đó, Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - cũng giảm đáng kể nguồn nhập khẩu khi trở thành một trong những nhà khai thác dầu lớn thế giới với sản lượng khoảng 300.000 thùng/ngày kể từ tháng 8 vừa qua. Sau nhiều năm chỉ khai thác khoảng 200.000 thùng/ngày, Libya đã tăng sản lượng lên 700.000 thùng/ngày. Nguồn cung tăng mạnh, trong khi Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới - và châu Âu đều tăng trưởng chậm kéo theo nhu cầu giảm, khiến giá dầu rơi tự do.

Trong khi đó, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày càng khiến giá dầu khó tăng trở lại. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo OPEC còn tỏ ra hài lòng với mức giá hiện nay bởi nó có thể kiềm chế tốc độ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ, thậm chí làm cho hoạt động này phá sản và loại Mỹ ra khỏi sân chơi năng lượng thế giới với tư cách nhà xuất khẩu tiềm năng.

Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, tây Siberia (Nga) hoạt động ngày 2/6/2006. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Citibank (Mỹ) đưa ra dự báo rằng với nguồn cung toàn cầu đã vượt quá nhu cầu khoảng 700.000 thùng/ngày, nguy cơ giá dầu thế giới giảm xuống mức 40 USD/thùng là khó tránh khỏi.

Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng yếu tố cung – cầu và hoạt động kinh tế yếu là nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong 6 tháng qua, song một số khác lại cho rằng giá mặt hàng chiến lược này giảm là nằm trong mưu đồ chính trị, chứ không chỉ là vấn đề kinh tế. Thời điểm Nga bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 6/2014, đúng thời điểm giá dầu bắt đầu đi xuống. Không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga, giá dầu biến động mạnh còn khiến đồng ruble của “xứ sở Bạch Dương” mất giá thảm hại. Các nhà phân tích chỉ ra rằng hiếm có sự trùng hợp đến tình cờ như vậy khi giá dầu giảm cùng thời điểm các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga.

Giá dầu mỏ “lao dốc” không chỉ cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu, mà còn tác động tới nền kinh tế các nước vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Nga, quốc gia có tỷ trọng năng lượng chiếm chủ yếu trong nền kinh tế, đang điêu đứng vì giá dầu giảm mạnh. Với dự toán ngân sách 2014 dựa trên mức giá dầu trung bình 117 USD/thùng và năm 2015 là 100 USD/thùng, dù Nga có nguồn dự trữ tài chính đáng kể và có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách khi cần, việc giá dầu ở mức thấp như hiện nay có thể khiến Nga mất khoảng 2% GDP. Giới chuyên gia nhận định giá dầu thấp còn có thể đẩy Moskva vào cuộc khủng hoảng xã hội bởi khi nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm đến hơn 50% ngân sách, chế độ an sinh xã hội sẽ bị tác động mạnh và điều đó có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội.

Trung Đông cũng lao đao khi giá dầu giảm chóng mặt. Arab Saudi – nước khai thác dầu mỏ lớn nhất trong OPEC - đã phải cắt giảm lương công chức trong năm 2015 do nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng mạnh vì giá dầu. Mức thâm hụt ngân sách cũng có thể tăng từ 54 tỷ Riyal trong năm 2014 lên mức 145 tỷ Riyal (tương đương 39 tỷ USD) trong năm 2015. Giá dầu giảm còn khiến thu ngân sách của Arab Saudi trong năm tới có thể giảm 30%. Một số quốc gia thành viên khác trong OPEC cũng thừa nhận rằng không thể đảm bảo cân bằng ngân sách khi giá dầu giảm quá sâu. Các nước như Quatar, Kuwait, Venezuela khẳng định chỉ có thể đảm bảo ngân sách khi giá dầu dao động từ 77-120 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng mang lại những lợi ích nhất định. Những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giá dầu giảm là những nước tiêu thụ nhiều năng lượng và phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ. Ngoài quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc cũng được hưởng lợi đáng kể do quốc gia này nhập khẩu tới 60% nhu cầu dầu mỏ. Nhờ giá dầu thấp, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể tận dụng được khoản tiền dôi ra để tăng cường dự trữ dầu mỏ. Một số nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Indonesia,… cũng được hưởng lợi nhờ xu hướng này. Ngoài việc giúp chính quyền giảm bớt trợ giá năng lượng, dỡ bỏ phần nào áp lực lớn đối với chi tiêu công, giá nhiên liệu rẻ hơn còn giúp giảm áp lực tài chính đối với những cơ sở chế tạo công nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ.

Đối với châu Âu, ngoài việc tạo ra “cú hích” cho những nhà nhập khẩu dầu mỏ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá năng lượng thấp còn giúp giảm giá thành sản xuất cho các ngành công nghiệp cũng như giúp người tiêu dùng có thêm tiền, yếu tố rất thiết thực đối với các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nơi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức báo động.

Nhiều người cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trong năm 2015, song còn lâu mới bằng mức dự đoán được đưa ra hồi đầu năm. Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản suy giảm hơn so với dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 3/2014 và chưa thể khẳng định sẽ sớm tăng trở lại, giá dầu cũng vì thế mà khó có thể trở lại mức 100 USD/thùng.


Phương Hoa (TTXVN)
Giá dầu thế giới phục hồi
Giá dầu thế giới phục hồi

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12, giá dầu thế giới đã thoát “đáy” của 5 năm trong phiên giao dịch trước đó. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng thị trường hiện vẫn đang hướng sự chú ý vào nguồn cung dư thừa và nhu cầu tiêu thụ dầu yếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN