Theo báo chí Nga, nhiều nhà phân tích dự báo thời gian tới giá dầu còn có thể xuống dưới 40 USD/thùng, song mức giá thấp này sẽ không duy trì được lâu. Một số nhà quan sát kinh tế nhận định lưu ý giá thành bình quân của một thùng dầu thô khai thác được đang có xu hướng đi lên, và đó là yếu tố kiềm chế giá dầu lập đáy mới.
Giàn khoan dầu Centenario tại vịnh Mexico. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Hiện chưa một quốc gia hay tổ chức nào có thể giải thích chính xác nguyên nhân khiến dầu thô thế giới đột ngột giảm giá phi mã. Một số trung tâm phân tích cho rằng nguyên nhân là do đồng USD lấy lại vị thế, hoạt động phá giá của Saudi Arabia, việc khai thác các nguồn tài nguyên phi truyền thống ở Mỹ, và cuối cùng là thể trạng không tốt của nền kinh tế thế giới. Quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng khai thác trong điều kiện sức cầu hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân làm cho “vàng đen” mất giá.
Cụ thể, việc khai thác nội địa của Mỹ đã cho phép nước này giảm khối lượng nhập khẩu từ mức 10,8 triệu thùng/ngày năm 2005 xuống còn 7,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2014. Quốc gia bị thiệt hại đầu tiên từ thực tế này là Nigeria, nước từng xuất khẩu cho Mỹ tới 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2006 song hiện nay đã phải dừng xuất khẩu vì Mỹ không có nhu cầu. Các nhà cung cấp dầu thô khác cho nền kinh tế Mỹ như Algeria, Angola và Libya cũng phải cắt giảm sản lượng xuất khẩu và chuyển hướng sang thị trường các nước châu Á. Hiện nay chỉ duy nhất Saudi Arabia và Kuwait là vẫn giữ được sản lượng xuất khẩu vào Mỹ vì áp dụng chế độ bán phá giá. Hai quốc gia này chiết khấu cho Mỹ tới 0,7 USD/thùng và cho các nhà nhập khẩu châu Á tới 2 USD/thùng.
Mục đích của Saudi Arabia là giữ vững vị thế trên thị trường dầu mỏ thế giới, qua đó đánh bật các đối thủ cạnh tranh có giá thành khai thác dầu thô cao hơn và ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu dầu mỏ. Mức giá mà Riyadh áp dụng là đòn đánh mạnh vào Venezuela cũng như các nước xuất khẩu khác có dân số đông như Iran hoặc Nga. Đối với Iran, giá dầu phải đạt 80 USD/thùng thì ngân sách nước này mới có thể cân bằng, còn Nga cũng phải xem xét lại chi tiêu ngân sách nếu giá dầu xuống thấp hơn.
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi (trái) khẳng định OPEC sẽ không giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu tụt xuống 20 USD/thùng. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Đáng chú ý, ngay cả ngân sách của Saudi Arabia cũng lệ thuộc đến 90% vào nguồn thu từ dầu mỏ và Riyadh cũng không có lợi nếu giá dầu ở mức thấp. Trong những năm gần đây, ngân sách nước này luôn được hoạch định trên cơ sở giá dầu ở mức 90 USD/thùng. Tuy nhiên, nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ 7 tỷ USD mà nước này tích luỹ được trong những năm giá dầu ở mức cao, Saudi Arabia vẫn có thể cầm cự được trong vòng vài năm mà không phải cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.
Quay trở lại vấn đề của Iran và Nga. Mức giá dầu hiện nay, nếu không tiếp tục xuống thấp nữa, thì vẫn được coi là dễ chịu bởi đây là hai nhà khai thác dầu truyền thống, đòi hỏi ít chi phí nên giá thành tương đối rẻ. Trong khi đó, việc khai thác dầu đá phiến ở Canada đòi hỏi mức giá dầu phải đạt 70 USD thì mới có lãi, hoặc ở Mỹ thấp nhất phải là 65 USD. Chính vì vậy những thông tin không tích cực trên thị trường vừa qua đã có tác động mạnh mẽ đến các kế hoạch đầu tư và khai thác của hai cường quốc dầu đá phiến ở Bắc Mỹ.
Nhìn dưới góc độ này, rõ ràng động cơ của Riyadh là nhằm đánh bật các nhà khai thác dầu phi truyền thống ở Bắc Mỹ ra khỏi cuộc chơi nhằm chiếm lĩnh thị phần bị bỏ lại. Phó Tổng giám đốc tập đoàn Lukoil của Nga Leonid Fedun nhận định với lối chơi phá giá hiện nay, trong 2 năm tới sản lượng khai thác của thế giới có thể sẽ giảm tới 1 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia Nga dự báo hiện khó có thể hi vọng sức cầu của thế giới sẽ đi lên vì kinh tế Nhật Bản suy giảm cao hơn dự báo, trong khi GDP của Trung Quốc chỉ tăng 7,1% vào năm 2015 và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 3/2014. Điều này đặt ra tiền đề gần như chắc chắn là nguồn cung sớm muộn cũng sẽ suy giảm, trước hết là từ phía các dự án khai thác dầu phi truyền thống ở Bắc Mỹ.
Theo số liệu của Baker Hughes, mặc dù số lượng các mũi khoan khai thác ở Mỹ hiện vẫn được giữ nguyên và hoạt động ổn định, song sự quan tâm đến các dự án mới đã giảm sút rõ rệt, thể hiện qua số lượng đơn xin cấp phép khai thác mỏ mới. Thống kê của hãng này cho biết số lượng giấy phép được cấp ra trong tháng 11 vừa qua đã giảm từ hơn 7.000 xuống còn 4.500 giấy phép. Như vậy sự sụt giảm nguồn cung cho phép hi vọng đồ thị hai đường cung và cầu sẽ gặp nhau. Tuy nhiên cũng rất khó hy vọng sự tương tác cung cầu sẽ diễn ra ở mức giá cao trong tương lai trung hạn.
TTK