Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 7/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới đây nhận định khá bi quan về kinh tế toàn cầu trong năm 2016 và cho rằng sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến thị trường hàng hóa tiếp tục suy giảm và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế một số nước, nhất là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,9% so với mức 3,3% được đưa ra hồi tháng 6/2015, nhưng vẫn cao hơn so với 2,4% năm 2015, nhờ sự phục hồi kinh tế của các nước phát triển. Sự yếu kém của các nền kinh tế đang nổi đã cản trở đáng kể sự tăng trưởng của các nước đang phát triển trên thế giới. Bức tranh kinh tế ngày càng xấu đi ở các thị trường mới nổi là lý do lớn nhất khiến kinh tế thế giới bước vào năm thứ 5 liên tiếp có mức tăng trưởng dưới 3%.
Dự báo tăng trưởng 4,8% của WB đối với các nước đang phát triển trong năm 2016 là thấp hơn so với những dự đoán trước đây, nhưng lại cao hơn so với mức tăng trưởng 4,3% của năm 2015. Theo WB, triển vọng kinh tế thế giới sẽ sáng sủa hơn nếu các nền kinh tế lớn phục hồi nhanh, giá hàng hóa ổn định và lãi suất tiếp tục ở mức thấp. Ngược lại, những rủi ro lớn có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu như tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm mạnh, Mỹ tăng lãi suất quá cao, đồng USD tăng giá mạnh và tình hình chính trị bất ổn tại một số nơi trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu rằng bất chấp chiến tranh, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo, giá dầu mỏ tiếp tục giảm và có thể xảy ra một số cuộc khủng hoảng mới, kinh tế thế giới vẫn lạc quan và chiều hướng đi lên trong năm 2016. Từ năm đầu thế kỷ 20 đến nay, kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức xấp xỉ 3%. Đặc biệt, 2015 là năm có rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng thì năm nay nhiều khả năng vẫn tiếp tục đà tăng lên.
Báo cáo trên cũng dự báo năm 2016, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm từ 7% xuống còn 6,7% (mức thấp nhất kể từ năm 1990) và hạ từ 6,9% xuống còn 6,5% trong năm 2017. Kinh tế Brazil cũng sẽ giảm xuống còn 2,5% trong năm nay, trong khi kinh tế Nga dự báo sẽ tăng trưởng âm - 0,7% trong năm 2016 so với âm -3,8% năm 2015.
WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ từ 2,8% xuống còn 2,7% trong năm 2016 và 2,4% năm 2017, chủ yếu do đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp đồng Yên Nhật Bản và Khu vực đồng Euro (Eurozone) duy trì được đà phục hồi nhưng mong manh. Kinh tế Nhật Bản cũng dự báo sẽ giảm 0,4% xuống mức 1,3% năm 2016 và 0,9% năm 2017. Các nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng 1,7% cho cả hai năm 2016 và 2017. Kinh tế Ấn Độ dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 7,8% trong năm 2016.
Trong khi nhịp độ phát triển kinh tế ở châu Phi và Trung Đông (MENA) có thể tăng 5,1% vào năm 2016, nhờ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran - một trong những nhà cung cấp hàng đầu của thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục sụt giảm và sự gia tăng xung đột ở khu vực này, nhất là sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ Iran - Saudi Arabia đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát là những rủi ro nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở khu vực.