Điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa qua
Trong bản cập nhật hồi tháng 10/2022 về Triển vọng Kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua. Phần lớn các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết khu vực, với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm từ mức 3,2% trong năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023.
Lý do đưa đến cảnh báo trên của IMF là hàng loạt đợt tăng lãi suất năm 2022 sẽ tác động nặng nề nhất đến các nền kinh tế vào năm 2023, khi tác động của chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ 12-18 tháng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất cơ bản từ mức 0-0,25% hồi tháng 3/2022 lên 4,25-4,5% hiện nay và sẽ còn tăng cao hơn nữa. Điều này đã dẫn đến việc tăng lãi suất hoặc các hình thức thắt chặt tiền tệ khác ở ít nhất 45 quốc gia trên toàn thế giới.
Chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm trong cả đầu tư, tiêu dùng cũng như thị trường nhà ở. Các thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung.
Theo các chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tác động qua lại của lạm phát và sự can thiệp của ngân hàng trung ương sẽ định hình câu chuyện tăng trưởng kinh tế cho năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng toàn cầu Seth Carpenter của Morgan Stanley cho rằng năm qua đã chứng kiến lãi suất tại Mỹ tăng nhanh nhất của kể từ năm 1981 còn tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng nhanh nhất kể từ khi đồng tiền chung này ra đời.
Sang năm 2023, nếu một cuộc suy thoái toàn cầu mới xuất hiện, lãi suất có thể sẽ ổn định hơn và thậm chí giảm xuống. Nhưng đó có thể sẽ chỉ là hiện tượng tạm thời. Nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, thì việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Một số cú sốc về nguồn cung có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao, bên cạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao và duy trì áp lực lạm phát, trong khi xung đột ở Ukraine sẽ làm giá lương thực vẫn ở mức cao.
Giá dầu vẫn có thể tăng trở lại nếu Nga giảm nguồn cung dầu mỏ khi đối mặt với lệnh áp giá trần của phương Tây, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh quyết định cắt giảm sản lượng, nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế và Mỹ bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược sau khi giảm trong năm 2022.
Vẫn cần ưu tiên cho ổn định giá cả
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), xung đột kéo dài tại Ukraine sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh tới châu Âu trên cả khía cạnh năng lượng lẫn triển vọng sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm từ 3,3% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, trước khi phục hồi lại ở mức 1,4% năm 2024. Mặc dù vậy, các dự báo này vẫn lạc quan hơn đáng kể so với ước tính hồi tháng 9/2022.
Nhiều nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ suy thoái trong năm 2023, trong đó kinh tế Đức nhiều khả năng sẽ giảm 0,3% và Vương quốc Anh, quốc gia nằm ngoài Eurozone, chịu tác động nặng nhất với mức giảm 0,4% do lãi suất cao và tình trạng lạm phát.
.Ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký OECD, đánh giá lạm phát sẽ giảm xuống còn 6,6% năm 2023, khi các chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy hiệu quả, làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, OECD khuyến nghị, dù đối mặt với nguy cơ suy thoái, việc chống lạm phát vẫn phải là ưu tiên hàng đầu và Ngân hàng Trung ương châu Âu nên tăng lãi suất lên 4% hoặc 4,25% vào giữa năm 2023, cao hơn nhiều so với con số mục tiêu 3% mà các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó.
Trong khi đó, Morgan Stanley dự kiến nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,2% vào năm 2023 do khủng hoảng năng lượng đang diễn ra và chính sách tiền tệ thắt chặt. Lạm phát vốn đã ở mức kỷ lục, ở mức 10,7% hàng năm vào tháng 10, dự kiến sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu trong thời gian còn lại của năm 2022 cũng như năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng thị trường châu Âu của Morgan Stanley, Jens Eisenschmidt, nhận định, do lo ngại lạm phát, lãi suất tại châu Âu sẽ tăng lên 2,5% trong quý đầu tiên của năm 2023 trước khi bắt đầu giảm vào đầu năm 2024.
Trong khi đó, do lạm phát tăng lên 2 con số, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ giảm còn 1,5% vào năm 2023, sau khi tăng 7,5% năm 2021 và ước tính 4,2% vào năm 2022. Đây là mức giảm tốc kinh tế lớn nhất trong các nền kinh tế lớn. Do đó, Ngân hàng trung ương Anh có khả năng sẽ kết thúc đợt tăng lãi suất ở mức 4% và tiếp bước Fed cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng dự báo sẽ chỉ ở mức 2,4% vào cuối năm 2023 so với mức 7,1% trong tháng 11/2022. Sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát hạ nhiệt có thể sẽ khiến Fed hạn chế tăng lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley, Ellen Zentner cho biết ngân hàng này kỳ vọng mức lãi suất cao nhất sẽ ở trong khoảng từ 4,5% đến 4,75% vào tháng 1/2023, giữ ở mức này cho đến năm 2023 và sau đó giảm dần vào năm 2024.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng tốc độ tăng lãi suất có thể giảm ngay sau tháng 12, nhưng cảnh báo chính sách đó có thể sẽ phải được duy trì chặt chẽ trong một thời gian để khôi phục sự ổn định về giá cả.
Kỳ vọng vào Trung Quốc
Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
Năm 2022, hoạt động thương mại của Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Nhiều nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng dưới 3% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 5,5%.
Dù đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022, Trung Quốc nhìn chung đã duy trì được sự ổn định của nền kinh tế khi phối hợp chính sách kiểm soát COVID-19 với phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 7/12, Chính phủ Trung Quốc hầu như đã từ bỏ chính sách "Không COVID” mà nước này thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ mở cửa hoàn toàn vào đầu quý III/2023, tạo nền tảng cho sự phục hồi của tiêu dùng vào nửa cuối năm.
Một khi quá trình trên được hoàn tất, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù điều này cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao và làm tăng thêm áp lực lạm phát. Hầu hết các dự báo cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 trong khoảng 4-5%.
Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale nhận định Trung Quốc sẽ có ba đến bốn quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý II hoặc quý III/2023, đồng thời dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023.
Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm sau lên 5,4% so với mức dự báo trước đó là 5%. Morgan Stanley từng dự báo hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự phục hồi từ cuối quý II/2023, nhưng hiện nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện từ đầu tháng 3/2023.
Nhờ kinh tế Trung Quốc có thể tăng tốc vào nửa sau năm 2023, châu Á được cho là sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP 4,4% cho cả năm 2023, trong lúc nguy cơ suy thoái có thể xuất hiện ở phần lớn các khu vực.