Phát huy nội lực
Tình hình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố trong 4 tháng đầu năm có nhiều bước khởi sắc khá toàn diện với nhiều tín hiệu tốt. Việc phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, tạo đà tâm lý và tin tưởng của người dân, doanh nghiệp. Tình hình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao, trên 90%. Người lao động tiếp tục trở lại Tp. Hồ Chí Minh làm việc sau Tết; trong đó, các doanh nghiệp lớn đón gần 100% công nhân trở lại làm việc.
Đánh giá điều này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, nội lực kinh tế TP. Hồ Chí Minh khá vững và còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển. Thời điểm này, Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh bằng việc cụ thể hóa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 với 2 giai đoạn.
Theo Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha (tổng diện tích dự án hơn 1.840 ha); quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỷ đồng. Tp. Hồ Chí Minh cũng xây dựng, trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030.
Theo đó, năm 2022 tỷ lệ ngân sách để lại cho Tp. Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 18% lên 21%, tăng 3% so với năm 2021. Như vậy, sau nhiều năm tỷ lệ điều tiết liên tục giảm dần thì đây là thời kỳ ổn định ngân sách đầu tiên tỷ lệ điều tiết cho Tp.Hồ Chí Minh tăng 3%. Việc này giúp tăng thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển năm 2022, góp phần giảm bớt áp lực cho Tp. Hồ Chí Minh trong cân đối ngân sách, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.
Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Với những tín hiệu chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch phối hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào ổn định sản xuất, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… kích cầu tiêu dùng.
Hoạch định kế hoạch dài hơi
Để tạo dựng các bước đi vững chắc sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tp.Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng và ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 -2025 nhằm đưa ra giải pháp cấp bách và trọng tâm khôi phục đứt gãy; vực dậy nền kinh tế, khôi phục hoạt động văn hoá – xã hội với 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn phục hồi năm 2022, khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Giai đoạn phát triển năm 2023 - 2025, Tp. Hồ Chí Minh xác định tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh như trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại - mua sắm; trung tâm dịch vụ Logistics; du lịch; trung tâm về đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn này, Tp. Hồ Chí Minh tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp huy động hiệu quả mọi nguồn lực trên cơ sở tiếp tục chủ động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tính toán khoa học, khơi thông nguồn lực phát triển.
Các nguồn lực từ vốn đầu tư công được tập trung khai thác. Nhiều đề án được ưu tiên triển khai thực hiện; trong đó có chính sách phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp có giá trị gia tăng, thay đổi công nghệ theo hướng thâm dụng lao động kỹ năng và áp dụng quản trị tiên tiến; tập trung phát triển đi vào chiều sâu của các phân ngành công nghiệp ưu tiên thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu.
Theo ông Phan Văn Mãi, khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2022-2025, Thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Bài 3: Khơi thông điểm nghẽn