Kinh tế Trung Quốc chạm đáy mức tăng trưởng thấp

Diễn đàn kinh tế cấp cao “Phát triển Trung Quốc năm 2015” diễn ra từ ngày 21 đến 23/3 tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh (Trung Quốc), với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, học giả đến từ các cơ quan chính phủ Trung Quốc, các nhà kinh tế và giới học thuật trong và ngoài nước.

Khu công nghiệp Shekou ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN


Các đại biểu tham dự diễn đàn do Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện Trung Quốc tổ chức lần này đã bàn thảo về các lĩnh vực khác nhau xoay quanh chủ đề làm thế nào để Trung Quốc chủ động thích nghi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng cần có thái độ lạc quan đối với kinh tế thế giới và kinh tế Trung Quốc. Cho dù hai năm tới đây kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp nhất, song với nhiều nhân tố có lợi cho thấy Trung Quốc không những có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 7% mà còn có tiềm năng phát triển với nhịp độ tăng trưởng cao hơn thế. Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, và nhanh chóng trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất hành tinh.

Viện trưởng danh dự Viện nghiên cứu phát triển Quốc gia, Đại học Bắc Kinh Lâm Nghị Phu lạc quan phân tích, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2014 là 7.500 USD, tính theo tỷ giá thị trường chỉ bằng 13% của Mỹ, ưu thế phát triển công nghệ ngành nghề rõ rệt. Nhìn lại quá trình phát triển của các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc,… cho thấy khi họ có cùng mức thu nhập với Mỹ, tốc độ tăng trưởng vẫn có thể đạt 8-9%. Cộng thêm ưu thế về lượng dự trữ ngoại hối, mức nợ chính phủ,…, kinh tế Trung Quốc còn có tiềm năng tăng trưởng ở mức 8% trong vòng 10 năm hoặc thậm chí dài hơn thế.

Rau củ được bán tại một khu chợ ở Thượng Hải. Ảnh: AFP/TTXVN


Mặt khác, cũng có ý kiến đánh giá thận trọng khi tình hình kinh tế thế giới và triển vọng kinh tế Trung Quốc là chủ đề được quan tâm nhất tại diễn đàn. Giáo sư Nouriel Roubini từ Đại học New York (Mỹ) phân tích sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những năm qua đã cân bằng hơn nhưng hiệu quả từ cải cách chậm chạp, đầu tư quy mô lớn không thể bền vững - điều cho thấy trong vài năm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ tiếp tục giảm tốc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nhận định, do mâu thuẫn cùng lúc của ba thời kỳ tăng trưởng giảm tốc, điều chỉnh kết cấu khó khăn và hóa giải mâu thuẫn tích tụ từ nhiều năm trước vì thực hiện chính sách kích thích kinh tế, năm 2015 sẽ là năm gặp nhiều vấn đề trong vận hành kinh tế quốc nội, nhìn từ môi trường quốc tế. Đây cũng là năm tình hình kinh tế tài chính toàn cầu phức tạp nhất, khó khăn nhất và nhiều thách thức nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Ngô Kính Liễn thuộc Trung tâm phát triển Quốc Vụ viện tái khẳng định nguyên nhân dẫn đến việc 20 năm qua Trung Quốc không đạt hiệu quả trong chuyển đổi từ tăng trưởng số lượng - quy mô sang tăng trưởng chất lượng - hiệu suất là do tồn tại những trở ngại mang tính thể chế.

Quan hệ giữa quản lý đất nước theo pháp luật và kinh tế thị trường cũng là vấn đề nóng được bàn thảo nhiều tại Diễn đàn lần này. Các chuyên gia cho rằng, pháp trị là nền tảng chế độ của kinh tế thị trường, muốn thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh cần đảm bảo pháp trị.

Song Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Quốc lập Singapore Trịnh Vĩnh Niên cho rằng khi quan hệ giữa thị trường và quản lý theo pháp luật chưa được làm rõ, Trung Quốc thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật sẽ chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu, thiếu tính khả thi. Hiện nay chính phủ nước này đã nới lỏng các quyền cho địa phương nhưng không hấp dẫn, không thực chất, vì thế nhiều địa phương không muốn tiếp quản, quan chức địa phương không thực hiện đúng chức trách.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, học giả còn thảo luận về phát triển và quản lý cụm đô thị lớn, xây dựng hệ thống đảm bảo dưỡng lão, động lực sáng tạo và đô thị hóa kiểu mới, công nghệ thông tin và chuyển đổi mô hình kinh tế.


Tường Thu
(P/v TTXVN tại Bắc Kinh)
Lí giải sự chững lại của kinh tế Trung Quốc
Lí giải sự chững lại của kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 chỉ còn 7% - mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Vậy điều gì đã khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại như vậy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN