Nhà máy lắp ráp ô tô ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc mới đây cho biết nền kinh tế nước này tăng trưởng 7% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm trước, không thay đổi so với tốc độ tăng trưởng quý I, song cao hơn mức dự báo 6,9% của thị trường.
Nhận định về điều này, Brendan Ahern, chuyên gia đầu tư trưởng thuộc quỹ KraneShares của Mỹ, cho biết, kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi trở lại. Theo ông, trong khoảng thời gian kinh tế Trung Quốc tái cân bằng, sẽ không tránh được “lúc thăng, lúc trầm”, song thời điểm cuối cùng khi nền kinh tế trở lại thăng bằng là quan trọng nhất. Kinh tế Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy đã tới lúc “qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai”.
Các chuyên gia kinh tế khác cũng tin tưởng rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi nếu Bắc Kinh đưa ra các chính sách phù hợp. Theo ông Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại HSBC, nhằm thúc đẩy và duy trì đà hồi phục này, Chính phủ Trung Quốc cần đưa ra nhiều hơn nữa các biện pháp nới lỏng chính sách trong nửa cuối năm nay. Việc Bắc Kinh tiếp tục duy trì các chính sách thúc đẩy kinh tế như Một vành đai, một con đường, Internet+ hay Made in China (Sản xuất tại Trung Quốc) sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực bên ngoài như cuộc khủng hoảng Hy Lạp ở châu Âu hay như tình trạng kinh tế ảm đạm tại Mỹ lên nền kinh tế này.
Theo dự đoán của giới phân tích Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2015 sẽ tăng trưởng khả quan hơn, giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi đúng lộ trình để đạt mục tiêu tăng trưởng 7%.