Tại phiên họp, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho biết kết quả thu chi ngân sách nhà nước trong tháng 10 có nhiều chuyển biến tích cực, đã tăng 27% so với tháng 9. Theo đó, kết quả thu ngân sách 10 tháng qua ước thực hiện đạt 290.783 tỷ đồng, đạt 72% so với dự toán, bằng 87% so với cùng kỳ. Mặc dù, chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự năng động vốn có, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã kịp thời chuyển đổi mô hình sang kinh doanh online, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… cơ cấu nhập khẩu hàng hóa cũng có nhiều tín hiệu tích cực, các nhóm hàng hóa vật tư phục vụ cho sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, kết quả của việc áp dụng một loạt các chính sách trong thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình kinh doanh trên địa bàn thành phố, tạo nền tảng cho số thu ngân sách trong các tháng trong quý 3, đầu quý 4 có chiều hướng tăng trưởng tích cực. Hầu hết, các chỉ tiêu ngân sách vượt mức 70% so với dự toán, dự kiến số thu ngân sách trên địa bàn thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 là 355.813 tỷ đồng, đạt 88% so với dự toán và bằng 87% so với cùng kỳ. Tình hình thực hiện chi ngân sách địa phương, dự toán chi 10 tháng đầu năm đã đạt 56.796 tỷ đồng, đạt 56 % dự toán, tăng 25% so với cùng kỳ.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, để tăng nguồn thu ngân sách những tháng cuối năm, Sở đã đề xuất 4 nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục triển khai các biện pháp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách; triển khai công tác rà soát số liệu kê khai thuế trên hệ thống của cơ quan thuế để đôn đốc doanh nghiệp kê khai theo đúng quy định; xây dựng kế hoạch để thực hiện thu với các trường hợp đã hết thời hạn, được gia hạn giãn nộp thuế theo các chính sách hỗ trợ đã được ban hành. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đấu tranh chống thất thu qua các hành vi như gian lận, khai sai mã số hàng hóa để hưởng thuế suất thấp, không khai thuế bảo vệ môi trường…
Nhóm giải pháp thứ hai là hạn chế tình trạng nợ đọng thuế. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu đến hết năm 2020, Cục Thuế giảm nợ thuế không vượt quá 5% số thu ngân sách nhà nước; Cục Hải quan thu hồi nợ đọng 120 tỷ đồng.
Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy mạnh công tác khai thác nguồn thu từ đất. Nhóm giải pháp thứ tư là tiếp tục tạo lập nguồn thu cho ngân sách thành phố trong những tháng cuối năm và năm tiếp theo. Hiện TP Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng một số đề án nhằm huy động thêm nguồn lực từ xã hội và gia tăng tính trách nhiệm của cộng đồng, tạo thêm nguồn lực để cải tiến chất lượng dịch vụ công. Thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng các chính sách phục vụ cho việc tính toán xác định tiền thuê đất trên địa bàn.
Chia sẻ về các giải pháp tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế, xã hội TP Hồ Chí Minh những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 10 tháng qua, với nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay chia sẻ của nhân dân thành phố, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố đã có một số điểm sáng. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,5% so với cùng kỳ trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 16,223 tỷ USD tăng 19,8% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 15,403 tỷ USD tăng 24% và giá trị nhập khẩu đạt 14,808 tỷ USD, tăng 27%. Chỉ tính riêng tháng 10, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt 1,812 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 1,746 tỷ USD, tăng 26% và giá trị nhập khẩu đạt 1,676 tỷ USD, tăng 40,13%...
Để phát huy những mặt tích cực và tiếp tục phát triển kinh tế những tháng cuối năm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, là vừa phục hồi kinh tế, vừa phòng chống dịch. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp bám trụ thị trường, tái cơ cấu kinh tế để khôi phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất theo chiều rộng và chiều sâu, tái cơ cấu thị trường để phục vụ sự phát triển của kinh tế thành phố, không để kinh tế thành phố rơi vào trạng thái "đứt gãy" vì tác động của dịch bệnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, thu thuế, trong đó phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khai thác nguồn thu từ đất, nhất là các dự án đã có quyết định giao đất nhưng vướng thủ tục nên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. UBND các quận, huyện, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để đưa ra đấu giá các mặt bằng nhà xưởng đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, hoàn tất thủ tục bán đấu giá để sớm có nguồn thu cho thành phố những tháng cuối năm.