Tại sự kiện này Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam cũng chức thức được thành lập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, việc thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững được đánh giá là một trong những xu thế tất yếu trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Theo đó, ngành tôm đang đứng trước nhiều thách thức về việc tìm kiếm thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về những sản phẩm tôm sạch, thân thiện với môi trường.
“Xu hướng thị trường ngày càng thay đổi, buộc chúng ta phải thay đổi để thích nghi, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Từ việc thí điểm 50 hộ dân nuôi tôm có chứng nhận quốc tế ban đầu, địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quan trọng nhằm giải bài toán đưa con tôm qua các thị trường giàu tiềm năng và khó tính. Tới đây, khi tham gia vào Liên minh, Cà Mau sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất chuỗi một cách chặt chẽ hơn nữa, qua đó xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong lĩnh vực này...”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận định, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu giữa các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và nước ngoài, đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường và nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia chương trình cũng sẽ có cơ hội trao đổi thông tin về nhu cầu và tiêu chí lựa chọn các nhà cung cấp trong khu vực tại Việt Nam từ các tập đoàn đa quốc gia; các doanh nghiệp lớn là nhà mua từ Hoa Kỳ; trực tiếp đối thoại, hỏi đáp để đánh giá thực tế các cơ hội hợp tác và phát triển thị trường trong tương lai gần.
Nhằm giới thiệu về những cách tiếp cận mới để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Josh Madeira, chuyên gia của SeafoodWatch, phụ trách chính sách bảo tồn biển, MBA chia sẻ, khi tiếp cận với tiêu chuẩn này, các nhà cung cấp phải đảm bảo được các tiêu chuẩn của môi trường, từ đó đưa ra các tiêu chí về luật pháp, thức ăn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… để áp dụng cho các nhà nuôi tôm.
Các nông hộ nhỏ lẻ cũng có thể áp dụng một cách đơn giản, theo phương pháp tự quản lý chính cơ sở của mình. Sau đó, SeafoodWatch sẽ kiểm tra mẫu từ các cơ sở nuôi tôm cùng với hồ sơ từ các nhà chế biến. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Mỹ lựa chọn.
Ngoài ra, ông Josh Madeira còn nhận định thêm, người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á đều xem hương vị, độ tươi, lợi ích về mặt sức khoẻ và an toàn thực phẩm là những vấn đề hàng đầu cần phải xem xét khi chọn mua hải sản. Trong đó, Hoa Kỳ, E.U hay Nhật Bản luôn có các yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm. Không những vậy, hơn 90% các nhà bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và hơn 75% các nhà bán lẻ tại thị trường E.U… còn yêu cầu thuỷ sản phải đáp ứng với sự bền vững của môi trường.
Tại sự kiện thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam, các “ông chủ lớn” của ngành tôm, các hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp hiệu quả, các hộ nông dân, các doanh nghiệp công nghệ trong nông nghiệp… đã có tiếng nói chung và đồng thuận ký kết tham gia Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam. Điều này không chỉ đảm bảo việc lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng… mà còn tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn, tất cả vì mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.