Lãi suất neo thấp
Theo công bố trên trang web chính thức của các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn được giữ ổn định ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện thấp hơn thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện khoảng từ 1,5-2%/năm.
Mức lãi suất huy động cao nhất thị trường đang được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 8,2%/năm. Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)... cũng đang niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm.
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất đặc biệt này, người gửi tiền phải đáp ứng các điều kiện về số tiền gửi từ 200, 300 hoặc 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi từ 12-13 tháng. Với cùng kỳ hạn, nếu khoản tiền gửi không đáp ứng điều kiện trên, lãi suất khách hàng nhận được chỉ trên 6%/năm.
Tại các ngân hàng khác, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức từ 5,1-6,8%/năm. Thậm chí lãi suất cuối kỳ cao nhất tại Techcombank cho khách hàng ưu tiên chỉ ở mức từ 4,5-4,9%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần dao động từ 4,4-5,7%/năm, trong khi tại các ngân hàng quốc doanh chỉ giữ ở mức từ 3,8-4%/năm. Còn với tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi vẫn ổn định ở mức từ 2,9-4%/năm.
Nhận định về xu hướng lãi suất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Lê Đức Thọ cho rằng trong ngắn hạn, lãi suất sẽ chưa có nhu cầu phải tăng do thanh khoản vẫn rất dồi dào. Việc kiểm soát vĩ mô tốt đã tạo điều kiện cho lãi suất duy trì ở mức thấp.
"Nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4% thì lãi suất như hiện nay là rất hợp lý, phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như người dân", ông Thọ khẳng định.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 4/2021, tiền gửi của dân cư tăng 2,34% so với đầu năm, ở mức gần 5,3 triệu tỷ đồng. Con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 3,37%. Đây là năm thứ tư liên tiếp, tốc độ tăng trưởng tiền gửi chậm lại.
Xu hướng trên cũng tương tự với con số cả năm, trong giai đoạn 2016-2020. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%. Điều này cho thấy người dân đang có xu hướng bớt gửi tiền vào ngân hàng.
Linh hoạt công cụ tiền tệ
Lãi suất tiền gửi của ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng, chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hay những kênh rủi ro cao như forex, tiền ảo… TS. Cấn Văn Lực từng đề cập khi lãi suất giảm dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh.
Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện lãi suất huy động đã xuống sâu nhưng vẫn có thể tăng trong thời gian sắp tới. Do đó, bỏ quy định trần lãi suất là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Giải thích về quan điểm này, ông Hiếu cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng vừa qua là 5,1% và mục tiêu 12% cho cả năm hoàn toàn có thể đạt được. Khi muốn tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ cần huy động vốn vào với lãi suất cao hơn. Vì thế, lãi suất sẽ đi lên trong thời gian tới.
Trước quan ngại rằng nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn đang khó khăn do dịch COVID-19, nếu không có trần lãi suất thì lãi ngân hàng có thể tăng nhanh, không hỗ trợ nền kinh tế lúc này, vị chuyên gia cho rằng trong nền kinh tế thị trường, lãi suất huy động là giá vốn và cần được điều tiết ổn định theo cung cầu của thị trường. "Do vậy đã đến lúc bỏ trần lãi suất tiền gửi đến 6 tháng", TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Tuy nhiên mới đây, VAFI lại có đề xuất rằng nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm. Mặt khác theo VAFI, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn ở Việt Nam đang ở mức từ 3,5-6,2%/năm là rất cao so với các nước, dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.
Đánh giá về đề xuất này, giới chuyên gia khẳng định lãi suất thấp và ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tốt để ủng hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cần phải xét trong điều kiện và bối cảnh cụ thể.
"Việc so sánh với lãi suất danh nghĩa quốc tế là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực. Theo quy luật kinh tế - tài chính, rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn để bù đắp rủi ro đó. Thêm nữa, lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Do đó, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích.
Thêm vào đó, TS. Cấn Văn Lực còn cảnh báo nếu lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân và doanh nghiệp sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… Khi đó, hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Khi được hỏi về tính khả thi của đề xuất này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ khó có điều kiện để đưa lãi suất về 0%. Do đó, thay vì đề xuất giảm lãi suất xuống 0%, ông Hiếu cho rằng nên gỡ bỏ tất cả các rào cản về lãi suất, để lãi suất tự vận hành theo cung cầu của thị trường.
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, thị trường mở (OMO) và dự trữ bắt buộc để điều chỉnh lãi suất theo hướng mong muốn, thay vì dùng biện pháp hành chính là trần lãi suất quy định như hiện nay.
"Ngân hàng Nhà nước nên để cho thị trường tự vận hành, không tìm cách khống chế lãi suất bởi mọi sự khống chế đều có thể tạo ra sự méo mó trên thị trường tài chính", ông Hiếu đề xuất.