Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt. Ảnh Trần Việt/TTXVN |
Lãi
suất cho vay trung và dài hạn hiện nay đang ở mức 11%. Tuy nhiên, nhiều
ý kiến cho rằng, nên ở mức 8 - 9%/năm là hợp lý để tạo cơ hội cho doanh
nghiệp vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Hoặc lãi suất cũng chỉ nên xoay
quanh mức 9 - 10%/năm để các doanh nghiệp mới có thể chấp nhận được.
“Bên cạnh việc tung ra các gói vay sản xuất kinh doanh, các ngân hàng
cũng có thể xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp; đồng thời giám sát
chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản”, một chuyên gia kinh tế nói.
Chia sẻ quan điểm về lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia từng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn ít nhất khoảng 1,5 - 2% là điều mà các ngân hàng nên tính tới.
Tuy nhiên, theo dự báo mới của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất sẽ chịu áp lực tăng trong năm 2017 chỉ biến động nhẹ. "Năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng như: Nợ xấu, cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED) đi cùng rủi ro tỷ giá. Chúng tôi đánh giá lãi suất sẽ rất khó giảm thêm", báo cáo VCBS nhấn mạnh.
Cùng chung lo ngại, nhiều người cho rằng, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang được đẩy lên mức cao ở tất cả các loại kỳ hạn, lên mức 5 - 7%/năm nên lãi suất ngân hàng không thể thấp hơn lợi suất trái phiếu Chính phủ. Bởi trái phiếu Chính phủ có độ rủi ro bằng 0, còn tiền gửi ngân hàng có độ rủi ro cao nên không thể chấp nhận mức lãi suất thấp hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân mà lãi suất khó có thể hạ trong thời gian tới.
Một “điểm nghẽn” lâu năm của lãi suất là nợ xấu, nếu không giải quyết được hiệu quả vấn đề này, lãi suất giữ được ổn định đã là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực lên lãi suất vẫn rất nhiều, đòi hỏi ngành ngân hàng phải có chiến lược phối hợp với các chính sách vĩ mô khác như chính sách tài khóa, ổn định lạm phát.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, 2017 là năm kinh tế toàn cầu đối diện nhiều biến động. Đặc biệt, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội toàn cầu nên rất khó đưa ra dự báo. Nhiệm vụ của NHNN một mặt điều hành, chỉ đạo đưa tín dụng ra nền kinh tế để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% nhưng cũng phải đảm bảo cung tiền ở mức hợp lý để kiểm soát lạm phát. Bởi theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong khi nguồn vốn ODA và FDI không còn thuận lợi như trước, thị trường vốn chưa phát triển thì cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng.
Bên cạnh đó, giá dầu đang tăng liên tiếp gần đây có thể ảnh hưởng tới giá của các mặt hàng khác làm cho kiểm soát lạm phát khó khăn. Để hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát và điều hành lãi suất, theo các chuyên gia, cần sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa, nhất là trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Tính toán thời điểm và liều lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, lãi suất ở mức hợp lý.
“Muốn giữ ổn định hoặc giảm mặt bằng lãi suất xuống thì lãi suất huy động vẫn đóng vai trò là yếu tố quan trọng nhưng ngân hàng vẫn phải đảm bảo biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay từ 2,5 - 3%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, các ngân hàng vẫn sẽ cho vay các chương trình ưu đãi với những đối tượng thuộc thị trường và khách hàng riêng của họ. Mặt khác, các chương trình cho vay ưu đãi như đóng tàu, nhà ở xã hội… vẫn được tiếp tục triển khai với mức lãi suất ưu đãi.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, do áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên điều hành lãi suất phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Thêm vào đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng phải theo dõi sát những biến động thị trường trong nước và quốc tế, dự báo kịp thời để có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Về tín dụng, NHNN sẽ tập trung kiểm soát quy mô tín dụng, phù hợp với chỉ tiêu định hướng, phù hợp với các mục tiêu cân đối vĩ mô, đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thêm vào đó, trong năm 2017 có thể khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thấp hơn năm 2016 nhưng vẫn đòi hỏi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa đảm bảo không tác động lên thanh khoản của thị trường liên ngân hàng.