Lâm Đồng thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao


Trong những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, Lâm Đồng đạt được những kết quả đáng kể.

Đáng chú ý nhất là việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã đưa ngành nông nghiệp của Lâm Đồng có bước phát triển vượt bậc: Giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2014 đạt 16.291 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm trước); thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm, bằng 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước. Đến nay, Lâm Đồng đã hình thành các vùng chuyên canh như: rau 53.660 ha, sản lượng hơn 1,78 triệu tấn; hoa 7.400 ha, sản lượng trên 2,3 tỷ cành; chè 22.030 ha, sản lượng thu hoạch 230 ngàn tấn; cà phê 156.448 ha, sản lượng thu hoạch 398 ngàn tấn. Về chăn nuôi, tỉnh hiện có đàn bò với quy mô trên 76.600 con, trong đó đàn bò sữa khoảng 13.700 con.

Lâm Đồng hiện có khoảng 20.000 ha mặt nước ở các hồ chứa, sông suối, ao hồ nhỏ có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đặng Tuấn-TTXVN



Riêng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng hiện có gần 40.000 ha, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và chiếm 18% giá trị ngành nông nghiệp, góp phần vào giá trị xuất khẩu nông sản chiếm trên 75% giá trị xuất khẩu chung của tỉnh. Tỉnh đã và đang phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, trong đó diện tích sản xuất rau, hoa và cây đặc sản đạt 14.600 ha (cây rau 11.887 ha, cây hoa 2.416 ha); cây chè 5.635 ha; cây cà phê 15.335 ha. Lâm Đồng còn có tổng đàn bò sữa 13.700 con và nhà máy chế biến sữa đạt công suất 40 tấn/ngày; tổng diện tích ao nuôi cá nước lạnh gần 50 ha, sản lượng đạt gần 500 tấn (chiếm 60% cả nước).

Chủ động hợp tác quốc tế

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Lâm Đồng xác định là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh các giải pháp, chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư, hợp tác trong nước và quốc tế góp phần đem lại những kết quả lớn cho chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Chủ động hợp tác quốc tế, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tính đến tháng 3/2015, Lâm Đồng đã thu hút được 67 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng (chiếm 35,26% nguồn lực thực hiện), trong đó có nhiều dự án của các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án quốc tế góp phần tạo liên minh sản xuất, hỗ trợ tài chính, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, sản xuất nông sản có chứng nhận giúp tạo cơ hội tốt cho nông sản Lâm Đồng có khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh dự án FDI đã đầu tư trước đây, hiện nay Tập đoàn tài chính Bejo (Hà Lan) đang đầu tư dự án sản xuất giống rau để xuất khẩu tại huyện Lâm Hà với vốn đầu tư 9,5 triệu Euro, có quy mô lớn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Dự án nghiên cứu và nhân giống hoa cao cấp lớn nhất Việt Nam của Công ty AgriVina (Dalat Hasfarm) với kinh phí 1,5 triệu USD. Lâm Đồng còn phối hợp với tỉnh Đông Flanders (Bỉ) thực hiện dự án Trung tâm công nghệ cao canh tác rau, hoa, cây cảnh trong nhà kính.

Đáng chú ý, theo Tiến sĩ Phạm S, trong những năm gần đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng như sản xuất rau, dâu tây, tư vấn nhà kính, vận tải nông sản… Điển hình như mô hình sản xuất rau và kinh doanh theo mô thức làng Kawakami – “làng thần kỳ”, tại thôn Đạ Nghịt, xá Lát, huyện Lạc Dương. “Sự thành công mô hình “làng thần kỳ” tại Lạc Dương đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến Lâm Đồng đầu tư các dự án nông nghiệp với tốc độ nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng” - ông Phạm S khẳng định.

Thu hút dòng đầu tư nước ngoài

Tại các diễn đàn kinh tế, hội thảo thu hút đầu tư tại Lâm Đồng tổ chức gần đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng xác định tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời thực hiện quyết liệt hơn cải cách hành chính để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tiếp cận công nghệ mới và từng bước nâng cao trình độ của nông dân. Nhật Bản hiện là một trong những thị trường lớn nhất mà tỉnh Lâm Đồng đang hướng tới và kêu gọi đầu tư nhiều nhất.

Hiện, tỉnh Lâm Đồng và Công ty tư vấn DI (Nhật Bản) đang thực hiện dự án nghiên cứu chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng. Theo DI, với tiềm năng và thế mạnh của mình, với những thay đổi, biến động về sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản và các nước xuất khẩu chủ lực cho thị trường này, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, nguồn cung ổn định xuất khẩu nông sản cho Nhật Bản.

Mới đây, tại hội thảo hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng (tháng 3/2015), ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, một lần nữa bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tìm hiểu, hợp tác đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng. Đặc biệt, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư theo mô hình nông nghiệp đa ngành mà cụ thể là đầu tư vào 3 dự án trọng điểm: Khu công nghiệp nông nghiệp, Trung tâm sau thu hoạch và Chợ hoa đầu mối.

Hoàng Liên Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN