Lạm phát nhiều khả năng ‘không phải mối lo lớn’ với Việt Nam 

Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) vừa dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 ở mức trung bình 3% (dự báo trước là 2,7%) trong bối cảnh giá nhiên liệu vẫn tăng. 

Chú thích ảnh
Giá cả hàng hóa dịp Tết ổn định, không khan hiếm.

Theo HSBC, lạm phát nhiên liệu tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1/2022 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá lương thực thực phẩm tại Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng. “Chúng tôi tăng nhẹ dự báo mức lạm phát bình quân năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước là 2,7%. Tuy nhiên, mức này không gây rủi ro cho chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ”, báo cáo của HSBC nêu.

HSBC cũng cho rằng, trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN như: Thái Lan và Singapore bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng "không phải mối lo lớn" với Việt Nam năm nay.

Nhà băng này đánh giá: Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng, nhưng Việt Nam không áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như trước. Các nhà hoạch định chính sách đã kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”, chủ yếu là nhờ triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc. Các điều kiện này khiến cho tâm lý tiêu dùng tăng cao trở lại, giúp bước tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc. Cụ thể: Sau khi giảm gần 4% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. 

Theo HSBC, quan trọng nhất là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại TP Hồ Chí Minh. Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng đầu năm đạt 1,6% chưa cao, bị ảnh hưởng do xuất khẩu điện thoại giảm tới 34%, nhưng sự sụt giảm này xuất phát từ hiệu ứng cơ sở Samsung đã ra mắt mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S21 sớm hơn thường lệ trong tháng 1/2021. S21 được tung ra năm ngoái đã đẩy xuất khẩu đi lên một cách vững vàng. HSBC kỳ vọng số liệu xuất khẩu cũng sẽ chuyển biến tích cực tương tự trong tháng 2/2022 khi mẫu S22 ra mắt vào ngày 25/2.

Ngoài ra, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua cho thấy, dấu hiệu sản lượng công nghiệp của Việt Nam mạnh mẽ trở lại. Hầu hết các chỉ số chi tiết chính đều thể hiện sự phục hồi bền vững, dự báo một viễn cảnh lạc quan về tình hình sản xuất sẽ lấy lại phong độ như thời điểm trước COVID-19.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để điều hành, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để điều hành, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN