Ông Lê Văn Dành cũng cho rằng có phần trách nhiệm của các sở, ngành liên quan khi đã cấp điện, nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan; trong đó, xác định ai ký giấy phép kinh doanh, cấp phép tạm, cấp điện, nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp và hướng xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Trước đó, ngày 8/1, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành giám sát công tác quản lý đất đai tại Đồng Nai. Đối với việc xây dựng trái phép của hàng chục doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phước Tân, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Gần 50 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng lớn nhưng tại sao chính quyền không nắm được. Phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị cá nhân. Việc cấp điện, cấp nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp hoạt động, trách nhiệm thuộc về ai, hướng xử lý ra sao?
Trước đó, trong năm 2018, Thông tấn xã Việt Nam đã nhiều lần phản ánh tình trạng Cụm công nghiệp Phước Tân (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa) có diện tích 72 ha, dù chưa được tỉnh Đồng Nai cấp phép nhưng một doanh nghiệp đã tự ý phân lô bán lại cho hàng chục đơn vị, cá nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan.
Hiện nay, gần 50 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng, nhà máy trái phép trong Cụm công nghiệp Phước Tân. Nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số lượng hàng nghìn công nhân. Các doanh nghiệp trên đã xây dựng khoảng 150.000 m2 nhà xưởng với số vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.