Làm sạch biển miền Trung như thế nào?

PGS. TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định phần lớn nước biển miền Trung đã an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn để tắm và nuôi thủy sản. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần có những biện pháp để làm sạch, khôi phục hệ sinh thái biển sau sự cố.

Cơ chế tự làm sạch

Trong những ngày vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố về môi trường biển và khẳng định biển có khả năng tự làm sạch. Vậy cơ chế tự làm sạch của biển cần được hiểu như thế nào?

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, biển là một môi trường liên tục vận động nhờ tác động của sóng, dòng chảy. Nước biển cũng tồn tại nhiều khí hòa tan và các vi sinh vật. Vì vậy, có 3 quá trình tự làm sạch của biển: pha loãng một cách cơ học do các quá trình động lực; phân hủy chất độc do các quá trình hóa học và phân hủy sinh học.

Quá trình pha loãng của nước biển có khả năng làm giảm hàm lượng các chất độc xuống mức thấp hơn mức cho phép diễn ra rất mạnh mẽ.

Thương lái thu mua cá đánh bắt xa bờ tại Cảng cá Nam Cửa Việt sau sự cố cá chết. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Khu vực biển ven bờ Bắc Trung Bộ luôn tồn tại một hệ thống dòng chảy biển dọc bờ rất mạnh, thay đổi theo thời gian. Dòng chảy biển luôn tồn tại cùng với một hệ thống các xoáy nước, tên khoa học gọi là các xoáy rối. Các xoáy rối này có quy mô rất lớn, thậm chí hàng km và từ mặt tới tận đáy biển ở các vùng biển nông, có độ sâu tới 200 m hoặc 300 m. Các xoáy này cùng với dòng chảy sẽ giúp xáo trộn chất ô nhiễm rất mạnh trong toàn bộ khối nước mặt. Ngoài dòng chảy biển, trường sóng biển cũng tạo ra các quá trình xáo trộn mạnh mẽ của nước biển và có tác dụng hòa loãng chất ô nhiễm.

Khi bị mang ra ngoài biển khơi xa bờ, chất ô nhiễm bị các chất lơ lửng trong nước biển hấp thụ và chìm dần xuống đáy hoặc bị phân hủy bởi các quá trình hóa học, sinh học. Các quá trình hóa học bao gồm các phản ứng hóa học xảy ra giữa chất ô nhiễm với môi trường để biến các chất độc hại thành các chất không độc hại. Các quá trình sinh học là các quá trình mà các vi sinh vật trong nước biển sẽ giúp phân hủy các chất ô nhiễm và biến chúng thành các chất không độc hại. Với các quá trình này, biển sẽ tự làm sạch.

Trong số 3 thành phần môi trường là nguyên nhân làm chết hải sản mà Chính phủ đã công bố, bao gồm xyanua, phenol và sắt, thì xyanua có khả năng tồn tại và gây nhiễm độc lâu nhất. Sắt trong nước thải sẽ nhanh chóng tác dụng với oxy trong nước biển để tạo thành hydroxit sắt và kết tủa, lắng đọng xuống đáy biển. Hydroxit sắt không độc cho cá và động vật thủy sinh.

Cho dù chưa có kết quả chính xác, nhưng các thí nghiệm trên thế giới cho thấy do các quá trình phân hủy sinh học, nồng độ Phenol trong môi trường nước biển vùng cửa sông sẽ giảm tới mức có nồng độ bằng ½ nồng độ ban đầu trong khoảng 9 ngày. Ngoài các quá trình phân hủy sinh học, các quá trình phân hủy hóa học sẽ giúp nước biển sớm được làm sạch khỏi loại độc tố này. Các kết quả nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy xyanua trong nước không tích tụ trong cá và các động vật thủy sinh.

Vì vậy, ngay cả trong trường hợp nồng độ xyanua trong trầm tích đáy biển vượt mức cho phép nhưng không cao quá, cũng không nhất thiết phải can thiệp để xử lý. Xyanua trong trầm tích đáy biển sẽ khuếch tán và pha loãng, sau đó bị phân hủy trong môi trường nước biển.

Cần tạo môi trường để san hô phát triển

Về câu hỏi làm thế nào để khôi phục hệ sinh thái biển bốn tỉnh miền Trung, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, để đảm bảo môi trường biển sạch, phải kiểm tra nồng độ xyanua và kim loại nặng trong trầm tích đáy biển. Nếu hàm lượng xyanua hoặc kim loại nặng trong trầm tích đáy biển tại một số vị trí quá cao, có khả năng gây nguy hiểm cho môi trường, có thể phải hút cát, bùn tại khu vực có nồng độ xyanua hoặc kim loại nặng cao để xử lý ở trên bờ.

Nếu môi trường biển trong sạch trở lại, các hệ sinh thái biển sẽ dần khôi phục theo thời gian. Khôi phục nhanh nhất sẽ là cá, tôm... Các rạn san hô sẽ khôi phục chậm nhất vì tốc độ phát triển của san hô rất chậm, chỉ khoảng 1 - 2 cm một năm. Việc khôi phục san hô sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Trứng san hô từ các rạn san hô chưa chết sẽ phát tán ra môi trường, trôi đến và bám vào các khu vực san hô đã chết để giúp san hô mọc lại. Tuy nhiên, cần lưu ý, để san hô phát triển khỏe mạnh, phải quản lý tốt việc xả thải từ bờ và cấm tuyệt đối các hình thức đánh bắt hải sản cạn kiệt, bắt hết các sinh vật có lợi trong hệ sinh thái san hô như con nhum, cá dìa, ốc tù và và nhiều loài hải sản khác; đánh bắt bằng các biện pháp, phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, xyanua, giã cào, xung điện.

Phát triển bền vững đòi hỏi phải phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao mức sống người dân nhưng phải bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển cho thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau. Tức là phát triển bền vững yêu cầu ta phải có “cả thép, cả cá”. Để đảm bảo phát triển bền vững, chúng ta cần phải thực hiện đồng thời một số biện pháp: Rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển có xả thải ra biển để đảm bảo chất thải từ các dự án này nằm trong giới hạn tự làm sạch của biển và không gây tác hại đáng kể đến môi trường biển.

Thực hiện đánh giá tác động môi trường của chất thải của dự án có tính đến ảnh hướng của tất cả các dự án đang xả thải ra biển và đánh giá sức chịu tải môi trường của khu vực biển tiếp nhận nước thải trong điều kiện cực đoan nhất như nắng nóng, trời yên, biển lặng; từ đó, xác định rõ lưu lượng thải cực đại của dự án để đảm bảo tổng lượng thải của các dự án không vượt quá sức chịu tải môi trường của khu vực biển tiếp nhận nước thải của dự án.

Đặc biệt cần giám sát tốt việc xả thải; theo đó, tất cả các dự án có lượng xả thải lớn cần được lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các cửa xả nước thải và số liệu đo đạc tự động phải được truyền lập tức về và lưu giữ tại các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Ngoài ra, cần định kỳ và đột xuất kiểm tra không báo trước công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường biển của cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, cần phải sớm xây dựng, hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên, môi trường biển nhằm phát hiện chính xác và cảnh báo sớm các sự cố môi trường.
Thu Trang
Chỉ sử dụng hải sản miền Trung đánh bắt xa bờ
Chỉ sử dụng hải sản miền Trung đánh bắt xa bờ

Ngày 22/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã nhận được báo cáo kết quả kiểm nghiệm 5/9 mẫu ghẹ và cá các loại tại Hà Tĩnh nhiễm xyanua, 3 mẫu nhiễm phenol và 1 mẫu có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN