Theo Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ, Dự án gồm 3 hợp phần: hợp phần 1, kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; hợp phần 2, phát triển hành lang đô thị và hợp phần 3, tăng cường quản lý đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.
Phối cảnh cầu Quang Trung 2 thuộc dự án "Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị". Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN |
Tổng mức đầu tư cho dự án là gần 7.400 tỷ đồng (hơn 322 triệu USD) gồm vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (chiếm 77,63%), vốn không hoàn lại từ Cục Hợp tác kinh tế (Seco) của Thụy Sỹ (3,11%) và vốn đối ứng (19,26%). Mục tiêu của dự án nhằm giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm; tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới và tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai...
Theo ông Trần Như Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ, đến thời điểm hiện nay, hợp phần 2 có đến 5/6 gói thầu (trừ gói thầu Cầu Trần Hoàng Na trình thiết kế chi tiết và hồ sơ mở thầu trong tháng 6/2017) bị chậm tiến độ từ nửa đến 1 tháng, gồm: gói thầu Cống ngăn triều trên đường nối Cách Mạng Tháng Tám - Đường tỉnh 918; Cầu Quang Trung 2; đường Trần Hoàng Na bờ Ninh Kiều; đường Trần Hoàng Na đường song hành và gói thầu đường nối Cách Mạng Tháng Tám - Đường tỉnh 918...
Ông Minh cho biết, theo cam kết với Ngân hàng Thế giới thành phố Cần Thơ phải phát hành hồ sơ mở thầu 1/6 gói thầu xong vào tháng 3/2017, nhưng đến ngày 17/4/2017 mới phát hành xong hồ sơ mở thầu chậm nửa tháng; có 4/6 gói thầu dự kiến xong vào cuối tháng 4/2017, nhưng do phát hành hồ sơ mở thầu bị chậm nên dự kiến phải dời thời gian phát hành hồ sơ mở thầu trong tháng 5/2017 khiến các gói thầu bị chậm tiến độ đến 1 tháng. Tuy nhiên, các gói thầu bị chậm phía Ban quản lý Dự án ODA lại không báo cáo rõ nguyên nhân vì sao các gói thầu lại chậm tiến độ.
Tại cuộc họp, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phê bình Ban quản lý Dự án ODA triển khai chậm các gói thầu trong dự án không theo đúng cam kết với phía Ngân hàng Thế giới.
Bà Ánh cho rằng, 2 gói thầu đường Trần Hoàng Na và cầu Trần Hoàng Na mặc dù có dự án nhưng người dân tại khu vực triển khai dự án lại không nắm được thông tin bồi thường giải phóng mặt bằng và thời gian khởi công dự án; từ đó dẫn đến tình trạng người dân thưa kiện kéo dài.
Bà Ánh yêu cầu, Ban ODA phải làm rõ nguyên nhân vì sao khiến các gói thầu chậm tiến độ và sớm báo cáo với UBND thành phố để có hướng giải quyết, đảm bảo để không để dự án chậm tiến độ và dự án khi hoàn thành phải mang lại hiệu quả cho thành phố Cần Thơ...
Bà Ánh cũng lưu ý, Ban Quản lý Dự án ODA và các quận có dự án triển khai phải cung cấp đầy đủ, công khai thông tin dự án, phương án bồi thường cho người dân nằm trong vùng dự án đúng theo mức bồi thường hiện hành và đặc biệt phải đảm bảo cho người dân phải có chổ ở sau khi bị giải tỏa mặt bằng khi dự án triển khai...