'Lao đao' vì giá tiêu giảm sâu

Đến thời điểm này, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa kết thúc vụ thu hoạch, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về giá tiêu giảm sâu kỷ lục, không khí ảm đạm bao trùm khắp các làng quê.

Giá tiêu giảm kéo theo bao hệ lụy, bởi cả một vụ tiêu người trồng đã bỏ ra vốn liếng đầu tư, vay mượn ngân hàng, nợ tiền phân, thuốc… khiến người dân thực sự lao đao vì tiêu.

Người dân phơi hồ tiêu ở xã Kim Long, huyện Châu Đức.

Hiện nay, giá tiêu đang ở mức 59.000 đồng/kg khiến nhiều người trồng tiêu như “ngồi trên đống lửa”, bởi vì có nhiều hộ sau khi thu hoạch vẫn trữ tiêu lại chưa bán để chờ giá lên. Tuy nhiên, so với đầu vụ giá không tăng mà còn giảm khoảng 4.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh cho biết nợ ngân hàng mua phân, thuốc... nên giá bán thấp gây ra lỗ, nhưng càng chờ giá càng giảm khiến nông dân lâm vào cảnh nợ chồng chất.

Ông Nguyễn Văn Ba, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có 2 ha tiêu mới trồng được 4 năm nay, với vốn đầu tư vào cây giống, trụ, phân, thuốc, nhân công lên tới gần 1 tỷ. Ông cho biết, do số tiền đầu tư vào vườn tiêu quá lớn nên ông phải vay ngân hàng, vì vậy giá tiêu rẻ như hiện nay không có tiền để đáo hạn.

Gia đình ông Trần Hữu Huê, ấp 2, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc có 1ha trồng tiêu, vụ vừa qua vườn tiêu của gia đình vừa bị bệnh chết nhanh, chết chậm, lại ngập úng, nên sản lượng thu về được 1,4 tấn tiêu. Với giá thời điểm giữa vụ là  60.000 đồng/kg, ông thu về hơn 180 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí phân, thuốc trừ sâu, nhân công, và tiền trả ngân hàng, ông Trần Hữu Huê đã không có lãi.

Ông Nguyễn Hữu Liên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho rằng, với giá tiêu đang giảm sâu như hiện nay, người trồng tiêu không nên nóng vội chặt bỏ cây tiêu để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác, mà cần dọn dẹp lại vườn. Đồng thời, quy hoạch lại diện tích trồng của gia đình, chăm sóc tăng năng suất cây tiêu, giảm giá thành ngày công thì người dân vẫn có thể “sống” được với cây tiêu.

Theo ông Nguyễn Hữu Liên, giá tiêu thấp nhưng hộ trồng tiêu nào có năng suất cao thì không hề bị thua lỗ. Ông Liên cho rằng, giá cả thị trường lên xuống là chuyện bình thường, không nên thấy tiêu rớt giá là nghĩ đến chuyện chặt bỏ chuyển qua trồng cây khác. Nếu như vậy, người trồng dân sẽ luôn lặp lại điệp khúc luẩn quẩn “trồng – chặt, chặt – trồng”.

Ông Liên cũng kiến nghị, trước tình trạng tiêu rớt giá nhà nước nên có những chính sách như hỗ trợ vay vốn, đáo hạn ngân hàng để giúp người dân bớt phần nào khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng cần nghiên cứu quy hoạch lại và triển khai tới người dân từng vùng trồng tiêu cụ thể, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nước…, tránh tình trạng để người dân trồng ồ ạt, tự phát như thời gian vừa qua.

Theo Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều năm qua giá tiêu tăng cao nên nông dân đổ xô trồng tiêu, khiến diện tích tăng nhanh, kéo theo sản lượng hồ tiêu trên thị trường lớn. Khi cung vượt cầu dẫn đến giá giảm.

Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, năm 2018 tiếp tục là năm khó khăn của ngành hồ tiêu cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, giá hồ tiêu sẽ có những biến động do yếu tố cung, cầu và đầu cơ (giữ lại khi giá thấp) của người nông dân.

Về vấn đề này, ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng: “Hiện nay bà con tập trung thâm canh tăng năng suất, tăng sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên diện tích hiện hữu đã có và không mở rộng diện tích. Nếu tiếp tục trồng mới ồ ạt, thì giá cả phải xuống theo thị trường do cung vượt cầu, như vậy là tự gây khó khăn cho bà con nông dân”.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Hàng trăm héc ta hồ tiêu tại Bình Phước bị bệnh chết nhanh
Hàng trăm héc ta hồ tiêu tại Bình Phước bị bệnh chết nhanh

Từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích cây hồ tiêu ở Bình Phước bị bệnh chết nhanh có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp đã xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng loạt, mất trắng với diện tích lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN