Trong những ngày này, trên khắp các tuyến đường phố chính của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam tràn ngập không khí của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư năm 2013, với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”.
Đây là lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê, một loài cây chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong cơ cấu cây trồng ở địa phương, là một sự kiện văn hóa được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng, gồm nhiều hoạt động hấp dẫn chào đón các nhà đầu tư, khách tham quan du lịch.
Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra Hội thi “Nhà nông với sản xuất cà phê bền vững và hội nhập”. |
Theo Ban tổ chức, Chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này có 13 nội dung, tăng hơn so với các lễ hội trước. Lễ hội khai mạc và bế mạc có chủ đề “Hương sắc cao nguyên” với chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, có sự tham gia biểu diễn của nhiều đoàn ca múa, nhạc nổi tiếng như Nhà múa ca nhạc Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội... Trọng tâm của Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột lần thứ 4 năm 2013 là Hội thảo với chủ đề “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê”. Nếu như Lễ hội Cà phê lần thứ 3 năm 2011 tập trung vào chủ đề “Sản xuất - Tiêu thụ cà phê bền vững và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột”, thì hội thảo lần này tập trung vào nghiên cứu giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê.
Trong khuôn khổ của Lễ hội, Hội thi Nhà Nông đua tài năm nay cũng xoáy sâu vào chủ đề “Nhà Nông với sản xuất cà phê bền vững và hội nhập”, là sân chơi cho bà con nông dân trồng cà phê, không những tôn vinh những người sản xuất cà phê giỏi, mà còn tạo không khí thi đua đẩy mạnh sản xuất cà phê theo hướng bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp để những người sản xuất cà phê giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê nhân, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào. Hội thi cũng là dịp để cán bộ quản lý các cấp, các nhà khoa học tiếp xúc với người sản xuất cà phê, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người trồng cà phê để có hướng nghiên cứu khoa học, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tại Khu bảo tàng Biệt Điện tỉnh, số 2 đường Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi không gian chính của lễ hội diễn ra các hoạt động giới thiệu, giao lưu của ngành cà phê, giữa các doanh nghiệp trong ngành cà phê với các sản phẩm phụ trợ. Điểm nhấn ở khu vực này là không gian mở kết hợp văn hóa cà phê với khung cảnh thiên nhiên. Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 9 đến 13/3), với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, với trên 600 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm cà phê nhân, cà phê chế biến, các sản phẩm khác được chế biến từ hương liệu cà phê, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cà phê, các loại dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến cà phê...
Về hoạt động kích cầu tiêu thụ cà phê nội địa, ngoài việc được thưởng thức cà phê miễn phí tại 20 quán cà phê nổi tiếng trên khắp thành phố Buôn Ma Thuột, lễ hội lần này còn tổ chức Con đường cà phê nhằm mở rộng không gian cho du khách thưởng thức đặc sản cà phê Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh các hoạt động chính lễ hội còn có các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng hơn như Lễ hội đường phố, Đêm hội vào mùa, Chương trình “Đi tìm Đại sứ cà phê Việt Nam”, Hội thi pha chế cà phê, tổ chức các tua du lịch đến thăm vườn, giới thiệu kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, chế biến cà phê, lịch sử đồn điền cà phê CADA, thưởng thức âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên...
Tin tức