Kịp thời rút kinh nghiệm
Ngay sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp sản xuất, cung ứng hàng hóa, phân định nhiệm vụ, lập tổ công tác tiền phương… để cung ứng hàng hóa thiết yếu. Song, mặc dù các địa phương đã cảnh giác cao, có kinh nghiệm của đợt giãn cách trước, nhưng vẫn bị động, lúng túng. Vì thế, khâu phòng chống dịch, cũng như cung ứng hàng hóa giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn, thiếu hàng hóa cục bộ.
Trước thực tế này, để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho các địa phương, “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Công Thương đã được thành lập trên cơ sở của Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo tại TP Hồ Chí Minh. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải cùng các sở, ngành, địa phương trao đổi cơ chế phối hợp, “bắt tay” lên phương án “phân luồng xanh” lưu thông hàng hóa, tăng lượng hàng hóa dự trữ, mở các điểm bán… để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, 6 sàn thương mại điện tử lớn đều vào cuộc, đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, lương thực, thực phẩm… để cung ứng kịp thời cho các tỉnh phía Nam; đồng thời, triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại điểm giao dịch bưu điện, khu vực người dân cách ly… Nhờ vậy, những ngày qua, lượng hàng hóa thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã ổn định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ngay sau khi có chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các ngành, tình hình cung ứng, lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu đã được cải thiện, không còn hiện tượng thiếu hàng, giá cả ổn định.
Tháo gỡ khó khăn trong vận tải hàng hóa
Liên quan đến những phát sinh vướng mắc trong lưu thông hàng hóa tại các địa phương, theo ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định phòng chống dịch COVID-19, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng nhanh, thiếu thống nhất, nên gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 5 tới nay, có những địa phương áp dụng biện pháp chống dịch mạnh, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, những biện pháp này chưa linh hoạt, gây ùn tắc cục bộ, gây khó khăn cho lái xe và doanh nghiệp vận tải. Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo vừa chống dịch, vừa lưu thông hàng hoá thông suốt. Bộ Công Thương cùng với Bộ Giao thông vận tải thành lập 4 đoàn công tác đến các địa phương, kiểm tra trên các tuyến quốc lộ, cao tốc để phát hiện kịp thời những vướng mắc và tháo gỡ.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Bộ đang soạn thảo quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16/TTg trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế về những việc lái xe phải thực hiện trước, trong và sau mỗi chuyến đi. Quy định tạm thời này đang được nghiên cứu khẩn trương để các địa phương có hành lang pháp lý thống nhất, vừa đảm bảo hành lang vận tải thông suốt, vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Đại diện Bộ Công Thương dự báo, dịch có thể còn tiếp tục bùng phát ở các địa phương, thậm chí lan sang các địa phương khác, thời gian và phạm vi thực hiện Chỉ thị 15/TTg, Chỉ thị 16/TTg có thể vẫn kéo dài, gây khó khăn lớn cho chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, lưu thông các hàng hóa thiết yếu và đứt gãy cả nguồn cung cấp lao động cho ngành hàng này…
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đồ tươi sống, rau củ quả ở cả địa phương có dịch và những vùng đệm trong cả nước để sẵn sàng cung ứng. Các ngành giao thông, công an, y tế, nhất là các địa phương trong vùng dịch thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng thiết yếu để dự trữ hàng hóa trên địa bàn từ 10-15 ngày, tương ứng với thời gian giãn cách; chấn chỉnh mạnh mẽ khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối; phát triển các mô hình thương mại điện tử…