Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 cộng với tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukrane gây khan hiếm nguồn cung cũng như không dễ để đạt được số lượng cần thiết cho sản xuất trong nước. Do vậy, lúc này cần tính tới nhiều giải pháp đa dạng nguồn năng lượng nhằm đảm bảo cho các ngành sản xuất và an ninh năng lượng quốc gia.
Dừng sản xuất do thiếu than
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đang gặp khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Khối lượng than cấp trong quý I/2022 gần 4,5 triệu tấn, thiếu 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Vì thiếu than và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3, nhiều tổ máy đã phải dừng và giảm phát.
Cụ thể như Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 hiện chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức từ 60 - 70% công suất. Trong khi đó, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than để chạy 1 tổ máy, còn 3 tổ máy phải dừng vận hành.
EVN cho hay, các đơn vị cung cấp than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã nỗ lực khắc phục khó khăn qua việc khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn.
Dù vậy, hai doanh nghiệp này cho biết tình hình cấp than vẫn tiếp tục khó khăn, dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ tháng 4. Trong mùa khô năm 2022 (từ tháng 4), nếu không có giải pháp quyết liệt khắc phục có thể xảy ra tình trạng thiếu điện do thiếu than.
Không chỉ ngành điện, nhu cầu than cho sản xuất xi măng cũng rất cấp bách. Nguồn cung than trong nước có hạn, trong khi nhu cầu tiêu dùng than ngày càng lớn để phục hồi sản xuất. Riêng ngành xi măng với quy mô sản xuất hơn 100 triệu tấn trong năm 2022 thì nhu cầu than cũng lên tới hàng chục triệu tấn.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ than tăng cao, khả năng nhập khẩu than khó khăn, nhất là khi các nhà máy điện chưa thống nhất phương án kê khai giá theo quy định của Luật Giá đối với than phối trộn nhập khẩu, Tập đoàn TKV đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác và huy động tối đa than tồn kho để chế biến và pha trộn.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu năm 2022 tăng cao và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine tác động lớn tới kinh tế đẩy giá dầu, sắt thép, than tăng vọt... Việt Nam chủ yếu nhập khẩu than từ các thị trường như Nga, Indonesia, Australia..., nhưng dịch bệnh COVID-19 cùng với cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến nguồn cung từ thị trường Nga gặp khó khăn, giá cước vận tải biển tăng cao. Ở thị trường Indonesia cũng hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn than cho sản xuất trong nước.
Do vậy, nguồn cung từ Australia, Nam Phi được xem như khả thi hơn cả do năng lực khai thác và tiềm năng khá lớn. Ông Nguyễn Văn Vy, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, Australia cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên sẽ thuận lợi cho Việt Nam trong nhập khẩu.
Giá than liên tục tăng cao và đạt các mốc kỷ lục, có thời điểm lên đến 300 - 400 USD/tấn và hiện vẫn ở mức khoảng 200 USD/tấn, tăng gấp đôi so với trước đây. Các chuyên gia cho rằng, dù giá cao và khó tìm nguồn cung, Việt Nam vẫn phải tìm cách nhập khẩu sớm, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện mùa khô năm nay khi nhu cầu sử dụng điện dự báo sẽ tăng mạnh.
Đa dạng thị trường nhập khẩu
Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ 18 - 25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc trực tuyến với bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Australia và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của Australia để thúc đẩy hoạt động nhập khẩu than từ Australia phục vụ nhu cầu trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu than của Australia, đặc biệt là các hội viên của Hội đồng Khoáng sản Australia tăng lượng cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4/2022.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã làm việc với ông Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đề xuất mua than ngay trong tháng 4, tháng 5 tới để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, những động thái của Bộ Công Thương là rất nhanh nhạy và tích cực. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để có nguồn nhập than. Tổng nhu cầu than của Việt Nam năm 2022 ước tính khoảng 90 triệu tấn; trong đó, khai thác trong nước gần 50 triệu tấn, nhập khẩu hơn 40 triệu tấn. Điều này cho thấy việc bảo đảm cấp đủ nhu cầu than gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 36 triệu tấn than, trị giá hơn 4,3 tỷ USD. So với năm 2020, sản lượng giảm 19 triệu tấn, nhưng giá trị nhập khẩu đã tăng hơn 500 triệu USD. Trong quý I/2022, giá than nhập khẩu hơn 220 USD/tấn, tăng 170% so với cùng kỳ hàng năm. Giá than tăng cao cộng với nguồn cung khó khăn chắc chắn sẽ gây áp lực cho sản xuất điện và nhiều ngành sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Vy cho rằng, ngoài thúc đẩy mua than từ nước ngoài, ngành công thương cần tập trung đẩy mạnh khai thác than trong nước theo các hợp đồng đã ký kết giữa các doanh nghiệp để phục vụ cho nhà máy điện trong mùa khô này.
Về lâu dài, các cơ quan quản lý phải đa dạng hóa nguồn cung cấp than dài hạn từ nhiều quốc gia khác nhau, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mua mỏ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng rà soát, sửa đổi các chính sách nhập khẩu than sao cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng công khai, minh bạch, vừa đảm bảo công tác quản lý, giám sát vừa giúp doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định và nhiều rủi ro, Việt Nam có thể tính tới xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia...