Tiềm năng thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, tại nhiều nước hiện đã đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh, xe điện, xe tự lái. Với dân số gần 100 triệu dân và xe điện chưa phát triển, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng lớn cho các loại phương tiện thân thiện với môi trường chiếm lĩnh trong tương lai gần.
Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.
Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy như VinFast, Mitsubishi, Honda đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như Hybrid, xe máy điện, ô tô điện... đi trước đón đầu chờ lộ trình về chính sách, hạ tầng để sản xuất thương mại.
Bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển Trạm sạc VinFast cho hay, từ tháng 4/2021, doanh nghiệp đã bắt đầu ra mắt thị trường các sản phẩm xe điện. Song song với việc phát triển sản phẩm, doanh nghiệp đã phát triển hệ thống trạm sạc tại các địa phương, xưởng dịch vụ cho thuê pin xe điện. Đây là những hạ tầng cốt yếu để xe điện hoạt động. Dự kiến hết năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc ở 63 tỉnh thành, với hơn 2.000 trạm sạc, gần 40.000 cổng sạc tại các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học…
Về thị trường, theo bà Phan Thị Thùy Dương, Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm về thị trường xe điện với các nước trong khu vực. Song, Việt Nam là nước đầu tiên có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có. Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện. Đây là cơ hội để ngành sản xuất xe điện trong nước bắt kịp xu thế, trước khi hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng.
Còn theo ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), trước quy mô ngày càng phát triển của dòng xe điện đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đầy đủ và hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới để có thể đáp ứng phù hợp với tiến trình và kích thích sự phát triển của đối tượng xe này.
Hệ thống TCVN hiện có trên 13.000 tiêu chuẩn, bao gồm cả TCVN về xe điện. Với mức độ hài hoà chung so với tiêu chuẩn quốc tế của tổng số tất cả các tiêu chuẩn khoảng 60%. Hệ thống các TCVN về xe điện chính là công cụ hỗ trong công tác quản lý Nhà nước, định hướng cho các nhà sản xuất lắp ráp, công nghiệp phụ trợ và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm xe điện.
Sớm có lộ trình
Đánh giá về tiềm năng thị trường xe điện, ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất 3 kịch bản lộ trình và các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện.
Cụ thể, kịch bản nhanh tương tự Thái Lan đang áp dụng, bắt đầu quá trình xe điện hóa từ năm 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hóa năm 2035; kịch bản trung bình sẽ bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hoá năm 2045 và kịch bản cơ bản mà Indonesia đang áp dụng là bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hóa vào năm 2050.
Căn cứ vào thị trường ô tô tại Việt Nam đã đạt doanh số khoảng 416.000 xe, VAMA đề xuất lộ trình phát triển xe điện hóa theo từng giai đoạn. Đầu tiên từ 2021 - 2030 là giai đoạn khởi đầu sẽ đạt mức cơ giới hóa vào năm 2028 xấp xỉ 1 triệu xe các loại và xe động cơ đốt trong vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lượng xe điện hóa sẽ tăng dần lên.
Giai đoạn thứ từ năm 2030 - 2040 là giai đoạn tăng trưởng nhanh và lượng xe điện hoá sẽ tăng mạnh, đạt 100% vào giai đoạn 3 từ năm 2040 - 2050 tăng trưởng ổn định.
Về các chính sách hỗ trợ, VAMA đề xuất các chính sách cơ bản cho từng giai đoạn. Ở giai đoạn khởi đầu (2021 - 2030), để khuyến khích nhu cầu thị trường cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hài hoà cho các loại xe điện nhắm phát triển thị trường; giảm lệ phí trước bạ 50% cho dòng xe HEV (xe hybrid có trang bị động cơ điện và cơ bản sử dụng động cơ đốt trong), 70% cho dòng xe PHEV (xe hybrid sạc ngoài, có động cơ điện được sạc sử dụng nguồn năng lượng sạc điện, được trang bị động cơ đốt trong để sử dụng trong trường hợp nguồn điện của xe suy giảm), 100% cho dòng xe BEV (xe điện hoàn toàn) và hỗ trợ khách hàng phí đỗ xe, thuế môi trường… đối với tất cả các loại xe điện.
Bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh (2030 - 2040) cần hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm sạc nhanh và hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất các loại xe điện. Khi đến giai đoạn tăng trưởng ổn định (2040 - 2050) tập trung ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy pin và giảm lệ phí trước bạ cho dòng xe này; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất và hoạt động của các trạm sạc nhanh.
"Bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như: An toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc... Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế. Rà soát, cập nhật các quy định quản lý, khai thác phương tiện giao thông điện trong quá trình xây dựng Luật giao thông đường bộ sửa đổi tới đây, Luật chất lượng hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường mới được quốc hội thông qua năm 2020, Luật đầu tư...", ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) thông tin.