Biện pháp này được triển khai sau lời kêu gọi từ các nhà đầu tư, khi họ cho rằng không rõ số phận của tài sản ở Nga sẽ thế nào sau khi các lệnh trừng phạt của Washington khiến Bộ Tài chính Nga không thể trả cổ tức bằng đồng USD.
Theo đài Sputnik, loạt ngân hàng lớn của Mỹ bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America, Citibank và Tập đoàn Jeffries đã tái khởi động giao dịch trái phiếu Nga sau khi các cơ quan tài chính ở Washington nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Theo các nguồn tin của Reuters, một số ngân hàng lớn khác của châu Âu như Barclays và Deutsche Bank cũng đang có những động thái tương tự.
Cách tiếp cận của các ngân hàng đối với tài sản Nga được cho là khác nhau. Trong khi một số ngân hàng hỗ trợ khách hàng thoái vốn khỏi trái phiếu Nga thì những ngân hàng khác cung cấp các dịch vụ bổ sung, ví dụ như giao dịch để xử lý tài sản.
Trong một văn bản gửi tới các nhà đầu tư vào tuần trước, Bank of America đã thông báo với khách hàng rằng họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bán trái phiếu của chính phủ Nga và một số công ty nhất định. Về phần mình, một người phát ngôn của ngân hàng Jeffries cho biết họ đang hỗ trợ khách hàng trong khuôn khổ quy định của các lệnh trừng phạt toàn cầu.
Diễn biến mang tính đột phá này xảy ra vài tháng sau khi Washington và các nước đồng minh phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và các tổ chức tài chính của Nga.
Ngày 6/6, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm mua chứng khoán Nga tại thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, trong tháng 7, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã đảo ngược lệnh cấm, cho phép các nhà đầu tư bán trái phiếu Nga nắm giữ và cấp giấy phép cho phép giao dịch đến hết ngày 20/10. Động thái này đã thúc đẩy các ngân hàng lớn bắt đầu thận trọng quay trở lại thị trường nợ của Nga.
Nga ước tính hiện có khoảng 40 tỷ USD trái phiếu chính phủ lưu hành trên thị trường. Moskva đảm bảo rằng tất cả các thanh toán theo thỏa thuận sẽ được giải quyết đúng hạn và đầy đủ bằng đồng ruble, thay vì đồng USD hoặc đồng euro do các hạn chế trừng phạt đối với các khoản thanh toán của Nga.
Trong bối cảnh Nga chịu nhiều lệnh cấm, hồi tháng 6, truyền thông Mỹ đưa tin Nga đã “vỡ nợ” về mặt kỹ thuật đối với các khoản nợ nước ngoài sau khi không thể thanh toán các nghĩa vụ bằng đồng USD và viện dẫn sự kiện này là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt hiệu quả. Các quan chức tài chính Nga đã bác bỏ thông tin này, nêu rõ một quốc gia vỡ nợ khi không thể hoặc không muốn trả nợ. Trong trường hợp này, trái phiếu của Nga đã được xây dựng để có phương án dự phòng một khi không thể thanh toán bằng đồng USD và đồng euro.