Ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, việc bãi bỏ quyết định thành lập đối với 3 cụm công nghiệp nói trên là do cụm công nghiệp Phát Hải chuyển đổi mục tiêu đầu tư sang làm khu dân cư. Hai dự án cụm công nghiệp còn lại chỉ là tổ hợp các phân xưởng, nhà máy trực thuộc một doanh nghiệp, không thực hiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp nên nếu tiếp tục thực hiện cụm công nghiệp sẽ không phù hợp.
Như vậy, sau khi hủy bỏ quyết định thành lập đối với 3 cụm công nghiệp nói trên, Long An còn 59 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và cụm công nghiệp Hải Sơn - Đức Hòa Đông (diện tích 261 ha) đang thực hiện thủ tục chuyển thành khu công nghiệp; trong đó, có 22 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và đã thu hút 657 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 88,72%; các cụm công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai các thủ tục thực hiện dự án.
Theo ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Sở Công Thương Long An đang tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét hủy bỏ hoặc bổ sung thêm một số dự án cụm công nghiệp, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 -2030. Đồng thời, tiến hành rà soát, cập nhật tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và đang triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Sở Công Thương Long An còn tăng cường nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án cụm công nghiệp; kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng. Năm 2022, tỉnh Long An phấn đấu có thêm 2 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, góp phần tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư vào địa bàn; kịp thời xử lý đối với các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư hạ tầng không đảm bảo năng lực thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Long An sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.