Ngành chuyên môn và nông dân tham quan mô hình lúa hữu cơ sinh học tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Ảnh: travinh.gov.vn |
Chủ tịch UBND xã Hòa Minh Nguyễn Văn Sỹ cho biết, đây là năm thứ 2 các công ty như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Hồng Tin, Công ty VIOSA, Công ty Cọp sinh thái, tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hỗ trợ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa hữu cơ sinh học cho nông dân tại hai xã Long Hòa và Hòa Minh.
Nông dân ký kết hợp đồng trồng lúa hữu cơ sinh học, giống lúa ST5 được Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Viosa thực hiện chính sách hỗ trợ năm thứ nhất 50% lúa giống, 20% lượng phân bón và thu mua 150% giá lúa tươi (độ ẩm 25%). Năm thứ hai trở về sau nông dân được hỗ trợ 50% giống, 10% phân bón và thu mua 180% giá lúa tươi (độ ẩm 25%).
Theo ông Lâm Thành Chín, ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, gia đình có 1,3 ha đất chuyên nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng 2 vụ trong năm. Nhiều năm liền, việc nuôi tôm hiệu quả bấp bênh, nhất là nuôi tôm vụ 2 trong mùa mưa thường bị thua lỗ do môi trường nước không thích hợp.
Năm 2016, ông Chín chuyển đổi sang mô trồng lúa hữu cơ sinh học kết hợp thả nuôi 6.000 con tôm càng xanh toàn đực. Kết quả, ông thu hoạch vụ lúa được 4,3 tấn/ha, bán với giá 8.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Ông còn thu được trên 120 kg tôm càng xanh, bán với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg và 25 triệu đồng từ nguồn khai thác cá tự nhiên trong ruộng lúa.
Ông Võ Minh Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học kết hợp nuôi trồng, khai thác thủy sản tự nhiên tại hai xã Long Hòa và Hòa Minh đã được thực hiện từ năm 2014. Mô hình sản xuất này mang lại mức thu nhập tăng thêm cho nông dân từ 50 -150 triệu đồng/ha so với nuôi tôm quảng canh trước đây.
Năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành đã đầu tư thực hiện trình diễn mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa hữu cơ sinh học kết hợp nuôi tôm càng xanh, diện tích 1,3 ha. Mô hình sử dụng phương thức gieo mạ, cấy lúa và thu hoạch bằng máy.
Riêng việc nuôi tôm càng, từ tháng 2 nông dân bắt đầu thả giống tôm càng xanh nuôi dưỡng trong mương. Khi tôm được 4 - 5 tháng là thời điểm bắt đầu cấy lúa, giai đoạn này mưa nhiều nước đầy mặt ruộng, tôm càng theo nước lên ruộng sinh sống. Sau hơn 3 tháng lúa thu hoạch cũng là lúc nông dân thu hoạch tôm càng xanh theo hình thức bắt tỉa.
Theo kế hoạch, năm 2018, mô hình này sẽ được nhân rộng ở hai xã Long Hòa, với diện tích khoảng 500 ha, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt lúa - tôm càng xanh sạch Long Hòa và Hòa Minh, giúp nông dân ở hai xã đảo nâng giá trị sản xuất, đảm bảo sự bền vững và làm giàu.