Lúa Thu Đông giá thấp nhưng nông dân vẫn có lãi

Vụ lúa Thu Đông năm 2021, nông dân thành phố Cần Thơ xuống giống gần 70.000 ha, đạt 120% kế hoạch và cao hơn 1.306 ha so với cùng kỳ năm 2020.

Những ngày qua, nhờ thành phố nới lỏng giãn cách xã hội và được ngành chức năng hỗ trợ nên việc thu hoạch diễn ra thuận lợi. Lúa tươi thu hoạch xong được thương lái thu mua ngay tại ruộng. Tuy giá lúa Thu Đông năm nay thấp hơn các vụ trước nhưng người dân vẫn có lãi, dù không được như mong muốn. 

Chú thích ảnh
Sở NN&PTNT Cần Thơ phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh lân cận tạo điều kiện cho nhân công di chuyển hỗ trợ nhau trong thu hoạch, vận chuyển lúa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Những ngày cuối tháng 9, ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố như Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… lúa Thu Đông đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đây là vụ sản xuất thuận về thời tiết, dịch bệnh, sâu hại ít xuất hiện. Tuy nhiên, hiện giá lúa tươi bán tại ruộng ở mức thấp hơn so với vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 và vụ Hè Thu vừa qua từ 600 - 1.000 đồng/kg. Dù vậy, nhờ lúa đạt năng suất nên sau khi trừ chi phí, người trồng lúa vẫn có lợi nhuận, mặc dù không nhiều như các vụ trước đây.

Theo ông Lê Văn Tần, 59 tuổi, ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ), vụ lúa Thu Đông năm nay, ông làm giống OM 0 trên diện tích 1,3 ha. Khi lúa gần chín, thương lái đến đặt cọc mua với giá 4.600 đồng/kg. Nếu so với vụ Thu Đông năm 2020, giá lúa vụ này giảm 800 đồng mỗi kg. Theo ông Tần, việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến nông dân trồng lúa như ông. Lúa đến kỳ thu hoạch vẫn được thương lái thu mua. 

“Giá lúa rẻ mà giá vật tư lại mắc nên năm nay tiền lời “mỏng” lắm, chừng 1 triệu đồng/công (1.000m2). Sau khi trừ hết chi phí cũng còn dư chút đỉnh nhưng không xứng với công sức mình bỏ ra”, ông Tần nói.

Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được khoảng 17.000 ha lúa Thu Đông, với năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Nếu so với vụ Hè Thu, thì vụ Thu Đông này cho năng suất cao hơn từ 0,2 - 0,4 tấn/ha. Do các địa phương có trồng lúa Thu Đông ở thành phố Cần Thơ đều đã được nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nên việc thu hoạch lúa khá thuận lợi.

Những này qua, chưa có tình trạng lúa ùn ứ, tồn đọng trên đồng. Sau khi thu hoạch xong, lúa tươi được vận chuyển xuống bờ sông, tại đây các thương lái sẽ  vận chuyển đi tiêu thụ ngay sau đó.

Theo ông Ngô Văn Việt, xã Định Môn, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ), người có 3,5 công lúa Thu Đông vừa thu hoạch cách đây ít ngày, khi lúa sắp trổ thì thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 nên người dân rất hoang mang vì không biết ghe có đi mua lúa rồi máy gặt có vào đồng để cắt được hay không.

Đến ngày lúa sắp chín, thấy có thương lái đi bỏ cọc, lúc đó ông Việt mới tạm yên tâm. “Cũng nhờ Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thương lái đi mua nên dù giá thấp mình vẫn bán được chứ nếu lúa chín mà không có ai mua thì khổ cho nông dân lắm”, ông Việt nói.

Trong khi đó, đối với những nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất như các biện pháp “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì năng suất vụ Thu Đông năm nay đạt khá cao, từ đó tiền lời cũng nhiều hơn.

Ông Phan Thiện Khanh, xã Định Môn, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) có 1,7 ha sản xuất lúa. Vụ này, ông Khanh trồng giống OM 5451 – một trong những giống lúa chất lượng cao của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, đã có thương lái đến đặt tiền cọc với giá 5.100 đồng/kg, năng suất ước đạt ít nhất 5,7 tấn/ha. Theo ông Khanh, khó khăn nhất trong vụ Thu Đông này là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, như phân Ure đã tăng hơn 200.000 đồng/bao so với cuối năm 2020. Cùng với đó, khi mới xuống giống do thời tiết ít mưa nên nông dân phải tốn nhiều chi phí cho bơm tưới hơn. Từ đó dẫn đến giá thành sản xuất cao những vụ trước.

Một điều may mắn theo nông dân này là khi cây lúa bước vào giai đoạn phát triển thì thời tiết thuận lợi cho đến cuối vụ nên năng suất đạt cao hơn cùng kỳ năm ngoái và thụ Hè Thu vừa qua, chỉ thấp hơn vụ Đông Xuân 2020 – 2021.

“Với giá bán 5.100 đồng/kg, nếu tính trừ cả chi phí do giá vật liệu tăng thì tiền lời trên mỗi công lúa tôi vẫn còn 1,5 triệu đồng”, ông Khanh tiết lộ đồng thời cho biết, con số có thể nhiều hơn vì qua kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa, ông có thể đoán tương đối chính xác năng suất mảnh ruộng của mình.

Vụ lúa Thu Đông năm nay ở Cần Thơ bắt đầu thu hoạch trong bối cảnh thành phố vẫn còn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để việc thu hoạch, tiêu thụ lúa Thu Đông được thuận lợi, vừa đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, từ tháng 7 và tháng 8, ngành nông nghiệp đã rà soát lại các chủ máy gặt và nhân công tham gia đội thu hoạch lúa để hỗ trợ tiêm vaccine, hỗ trợ việc lưu thông đi lại giữa các quận huyện. Đồng thời, rà soát lại các phương tiện ngoài thành phố để tạo điều kiện cho các đội thu hoạch ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp vào địa bàn Cần Thơ để hỗ trợ nông dân thu hoạch.

Theo ông Nghiêm, nhằm đảm bảo đủ phương tiện máy gặt đập liên hợp, nhân công phục vụ thu hoạch lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã thống kê máy gặt lúa, lò sấy trên địa bàn để phân bổ, tổ chức thu hoạch lúa cho nông dân theo từng địa phương. Sở cũng đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện, thương lái, các đội vác lúa được di chuyển qua các địa bàn để tiện thu hoạch và mua lúa nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Xác định việc thu hoạch lúa Thu Đông 2021 rơi vào thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên các địa phương đều chủ động xây dựng phương án hỗ trợ người nông dân thu hoạch lúa. Máy gặt đập liên hợp dễ dàng di chuyển qua lại giữa các cánh đồng, các thương lái và người lao động từ các địa phương khác đến thành phố Cần Thơ thu mua lúa đều được hỗ trợ nhưng phải đáp ứng các điều kiện an toàn trong phòng chống dịch, như có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày và có đăng ký với UBND xã.

Hiện giá lúa Thu Đông được thương lái thu mua tại ruộng từ 4200 – 4600 đồng/kg với giống OM 0, IR50404. Các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm như OM 5451, Đài Thơm 8 có giá từ 5.100 - 5.600 đồng/kg.

Tuy giá thấp hơn các vụ trước nhưng do trúng mùa nên sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn phấn khởi dù tiền lời không nhiều, trung bình từ 1-1,5 triệu đồng/công. Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng khuyến khích nông dân có điều kiện nên phơi, sấy, dự trữ lúa chờ tăng giá để có lợi nhuận cao hơn.

Thanh Liêm (TTXVN)
Nông dân Kiên Giang lãi 30 - 40% từ lúa Thu Đông
Nông dân Kiên Giang lãi 30 - 40% từ lúa Thu Đông

Sản xuất vụ lúa Thu Đông, nông dân tỉnh Kiên Giang được mùa, được giá nên giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; đồng thời, đưa sản lượng lúa năm 2020 của tỉnh lên hơn 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với kế hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN