Lụa Vạn Phúc trong bão thị trường

Đến Vạn Phúc, ngôi làng mới được vinh danh là làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất Việt Nam vào một buổi sáng, thay vì không khí tấp nập mua bán như trong tưởng tưởng, đập vào mắt chúng tôi là không khí đìu hiu buồn tẻ với thưa thớt khách tham quan và mua bán.


Thấy chúng tôi, bà chủ cửa hàng Đông Hương Silk đon đả mời chào, và giới thiệu sản phẩm. Biết chúng tôi là phóng viên, mặt bà trùng xuống chia sẻ, dạo này hàng hóa bán chậm, người mua từ khách du lịch thì đìu hiu còn bán buôn cũng chẳng nhiều. “Các anh chị nhà báo xem có cách nào viết bài giới thiệu thương hiệu và sản phẩm giúp chúng tôi, chứ không làng nghề chúng tôi tồn tại khó khăn lắm”, bà chủ than thở.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, bà Hương cho biết, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp phần lớn là từ các mối quen. Lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này hiện chỉ bằng 30% so với trước đây. Nguyên nhân, sụt giảm bà Hương cho rằng do giá sản phẩm của làng nghề cao hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, hiện ngay tại làng nghề vẫn có những hàng hóa không thuộc làng nghề trà trộn tạo ra sức ép cạnh tranh không nhỏ.

Du khách nước ngoài chọn mua vải lụa. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Khảo sát tại các cửa hàng chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm của làng nghề giờ không thuần khiết mà có sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm lạ mà cũng rất quen. Quen bởi chúng ta có thể dễ dàng mua được những mét voan hoa văn sặc sỡ, những chiếc khăn thời trang đủ kiểu, những chiếc áo tơ tại bất kỳ một khu chợ nào ở Hà Nội cũng như một số địa phương khác. Các cửa hàng lụa tại Vạn Phúc tuy bày bán đa dạng nhiều sản phẩm nhưng lại giống nhau về mẫu mã, hình dáng hay kích thước. Nếu là những người khách nước ngoài, liệu rằng họ sẽ cảm nhận được cái riêng của từng sản phẩm của từng cửa hàng hay điều mà họ nhìn thấy là những sản phẩm lụa như được sản xuất công nghiệp đại trà.

Ông David, khách du lịch người Anh cho hay: “Đây là lần thứ hai tôi cùng gia đình đến đây và phải nói rằng các sản phẩm lụa Vạn Phúc đẹp nhưng mẫu mã và màu sắc của các đồ lưu niệm ở đây không có gì thay đổi. Thêm nữa, các sản phẩm lại khá giống các mặt hàng bày bán trên khu phố cổ”.

Đó là chưa kể xuất hiện cả các sản phẩm ngoại lai có mặt tại làng nghề. Cầm trên tay chiếc khăn lụa màu sắc nhẹ nhàng của cửa hàng Đông Hương Silk có giá khá đắt trên 400.000 đồng, phân vân nên chúng tôi đã chuyển sang hàng bên cạnh cũng thấy sản phẩm giống thế, nhưng giá cả lại rẻ hơn rất nhiều.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tâm, chủ doanh nghiệp Mão Silk chia sẻ, hiện có tình trạng các sản phẩm nhái từ nơi khác trà trộn vào các sản phẩm của làng nghề với giá rất rẻ. Nếu không phải người sành về lụa rất khó có thể nhận ra đâu là sản phẩm của lụa Vạn Phúc.

Bà Tâm nhấn mạnh, các sản phẩm trên được sản xuất công nghiệp, đại trà với chất lượng lụa không đảm bảo nên giá rẻ hơn là đương nhiên. Trong khi đó, các sản phẩm của làng nghề từ chi tiết nhỏ nhất cũng được làm thủ công nên giá cao là điều bắt buộc.

Các cửa hàng lụa tại Vạn Phúc tuy bày bán đa dạng nhiều sản phẩm nhưng lại giống nhau về mẫu mã, hình dáng hay kích thước.

Bà Tâm chia sẻ thêm, do làm bằng thủ công, việc muốn sản xuất đại trà với số lượng lớn là không thể. “Nếu giờ có đơn đặt hàng lớn, chúng tôi cũng chịu không thể đáp ứng được. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu thường đòi hỏi cao về chất lượng và với số lượng lớn”, bà Tâm nói. Đặc biệt, họ còn yêu cầu về hình thức chủng loại sản phẩm đồng đều và yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian giao hàng. Những điều kiện như vậy, nếu sản xuất thủ công như hiện nay thì rất khó đáp ứng.

May mắn của chúng tôi khi đến làng nghề có gặp nhóm chuyên gia người Nhật Bản đến tư vấn phát triển sản phẩm cho làng nghề theo một dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Chia sẻ với chúng tôi, ông Fumiko Kato, Chuyên gia tư vấn của Nhật Bản đánh giá, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mang dáng vóc thuần túy, đặc thù văn hóa truyền thống. Nhiều sản phẩm có hình dáng kích thước cồng kềnh gây ra nhiều khó khăn cho du khách muốn mua mang về hay những sản phẩm đó không bắt mắt và phù hợp với văn hóa của họ.


Ông Fumiko Kato cho biết, phát triển làng nghề ở Việt Nam mấu chốt tập trung ở việc thiết kế và ứng dụng của sản phẩm đó trên thị trường. Có thể phát triển sản phẩm của làng nghề dựa trên kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhưng việc đó vẫn phải đảm bảo giữ nguyên giá trị truyền thống đặc trưng của sản phẩm. Rõ ràng đây là bài toán khó nhưng cần phải thực hiện với các làng nghề trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng.

Trong khi đó, bà Haruko Hamada, chuyên gia của Nhật Bản cho rằng, Vạn Phúc nên chọn ra sản phẩm tốt theo quan điểm của khách hành rồi tiếp tục hoàn thiện. Cần thể hiện đặc trưng chế tác thủ công trong sản phẩm để tạo ra sản phẩm duy nhất chỉ có tại làng nghề này. Trong xu thế phát triển của thị trường, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các sản phẩm làng nghề cần thể hiện được tính thời đại trong sản phẩm.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Kato cũng nhấn mạnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ muốn phát triển cần tiếp tục duy trì những kỹ thuật đặc trưng của Việt Nam, nhưng song song với đó, các làng nghề cũng phải thiết kế ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của du khách. Điều này sẽ giúp mở rộng đầu ra cho làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, để sản xuất với số lượng lớn và đảm bảo chất lượng sẽ rất khó nếu sử dụng công nghệ sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, để nâng cấp dây chuyền sản xuất, ứng dụng máy móc hiện đại hơn lại sợ mất đi bản sắc truyền thống của sản phẩm làng nghề. Vì vậy, cần có sự liên kết giữa các làng nghề, mỗi làng nghề tập trung ở một khâu nhất định mới có thể phát triển được và làm ra nhiều dòng sản phẩm mới lạ đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường. Ngoài ra, các làng nghề mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để làng nghề tồn tại và phát triển vững bền.

Thùy Linh (TTXVN)
Làng Vạn Phúc với những  hồi ức về cách mạng
Làng Vạn Phúc với những hồi ức về cách mạng

Những ngày tháng 8, về làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể về truyền thống cách mạng của làng lụa có tiếng Thủ đô này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN