Loại bỏ các nhà thầu yếu kém
Thời gian qua, cùng với các công trình vượt tiến độ như: Đường Vành đai 3 giai đoạn 2 TP Hà Nội, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, cầu Nhật Tân, cầu Bến Thủy… thì nhiều công trình trọng điểm như: Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... bị chậm tiến độ do nhà thầu thi công yếu kém.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, từ năm 2012, sau khi có đánh giá xếp hạng năng lực nhà thầu thì việc lựa chọn nhà thầu tham gia vào các dự án đã minh bạch và tốt hơn rất nhiều. Nhờ bộ tiêu chí này mà các đơn vị tư vấn, nhà thầu đã có ý thức rèn giũa đáp ứng năng lực để được lựa chọn, từ đó tác động tích cực đến chất lượng, tiến độ công trình giao thông.
Dự án Hầm chui Thanh Xuân - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến do Cienco4 thi công vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng. |
Theo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (QLDA), họ có thể lựa chọn các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát phù hợp thông qua bảng xếp hạng tại website: cucqlxd.gov.vn của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT). Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) cho biết: Việc xếp hạng nhà thầu không chỉ giúp các chủ đầu tư, Ban QLDA lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, mà còn ngăn chặn những nhà thầu yếu kém tham gia các dự án. Từ đó, tạo ra động lực để các nhà thầu không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ thương hiệu.
Còn ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT cho hay: Qua bảng xếp hạng, các chủ đầu tư dễ dàng lựa chọn hơn, không phải chấm quá nhiều nhà thầu, mà năng lực chênh nhau quá lớn, tránh được tình trạng nhà thầu yếu kém cố tình giảm giá sâu để trúng thầu. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp, dự án đầu tư không nhiều, mà số nhà thầu lại quá đông, thì việc xếp hạng năng lực nhà thầu góp phần tạo nên sự thay đổi về chất và môi trường làm việc công bằng giữa các nhà thầu.
“Luật hóa” quy định lựa chọn nhà thầu
Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực nhà thầu mới chỉ được coi là “tài liệu tham khảo”. Do quy định lựa chọn nhà thầu chưa được luật hóa, các chủ đầu tư không bắt buộc phải lựa chọn nhà thầu tại bảng xếp hạng này và khả năng “lọt lưới” nhà thầu yếu kém vẫn có thể xảy ra.
Vì vậy, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để nâng bảng đánh giá xếp hạng nhà thầu lên thành văn bản quy phạm pháp luật. Khi đó, các Ban QLDA sẽ buộc phải căn cứ vào đó để đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà thầu phải chỉn chu hơn, trau dồi năng lực của mình hơn để được lựa chọn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các công trình giao thông. Nếu Ban QLDA không lựa chọn nhà thầu tại bảng xếp hạng thì bị xử lý theo chế tài.
Về vấn đề này, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT khẳng định: Nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát là những yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến dự án. Chất lượng tư vấn tốt, công trình sẽ tiết giảm được tổng mức đầu tư, nhà thầu xây lắp tốt thì dự án đảm bảo hoặc vượt tiến độ, từ đó tiết giảm được giá thành xây dựng. Trước đây, tình trạng dự án giao thông bị chậm tiến độ xảy ra khá phổ biến, công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thường xuyên xảy ra. Nhưng vài năm gần đây, qua rà soát loại bỏ nhà thầu yếu kém, ngành GTVT đã tiết giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án.
Trong năm 2016, Bộ GTVT sẽ khởi công 69 công trình, khánh thành 62 công trình, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: Các dự án sử dụng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, mở rộng Đèo Ngang… Việc “luật hóa” quy định lựa chọn nhà thầu đang được Bộ GTVT gấp rút hoàn thiện sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ năng lực các nhà thầu. |