Lúng túng quản lý giá sữa ngoại

Giá sữa ngoại hiện đến tay người tiêu dùng cao gấp 5 - 9 lần so với giá nhập khẩu, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Trong khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang “tranh cãi” về sản phẩm “sữa” với tên gọi “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng” có nằm trong danh mục hàng hóa quản lý giá hay không thì khách hàng mua sữa vẫn đang phải hứng chịu mức giá “trên trời”.


Giá bán “trên trời”


Phần lớn các hãng sữa nhập khẩu (NK) đều lấy lý do tăng giá là giá nguyên liệu đầu vào tăng; chi phí cho quảng cáo cao. Tuy nhiên, mức giá tăng đến 5 - 9 lần so với giá NK thì khó có thể chấp nhận. Theo công bố mới đây của ngành hải quan về giá sữa ngoại tháng 7/2013, sữa Netsle Kinder nhập 105.500 đồng, sữa Similac Go&Grow nhập 105.500 đồng, sữa Enfatoodler nhập 84.400 đồng nhưng lại được bán với mức giá “trên trời” lần lượt là 950.000 đồng, 670.000 đồng và 590.000 đồng…


 

Phần lớn các hãng sữa nhập khẩu đều lấy lý do để tăng giá sữa là do nguyên liệu đầu vào tăng. Ảnh: Lê Phú

 

Từ nhiều năm nay, giá sữa năm nào cũng tăng ít thì vài lần, nhiều thì 5 - 7 lần. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mỗi năm trung bình có 2 - 3 đợt tăng giá sữa. Từ đầu năm đến nay, giá sữa ngoại đã tăng từ 5 - 10%, một số loại sữa còn tăng 13 - 14%. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kết quả phân tích thành phần của các loại sữa nhập ngoại và sữa nội cho thấy, sữa nội không thua kém về chất lượng so với sữa ngoại, nhất là các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.


Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Thị trường sữa nước ta vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, từ nguyên liệu tới thành phẩm. Do đó, khi chưa tìm ra giải pháp kiểm soát giá từ gốc sẽ rất khó làm chủ thị trường. Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cần nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước”.


Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, để phát triển nguồn sữa chất lượng trong nước thì không gì hơn là các doanh nghiệp sữa nội phải tự nâng sức cạnh tranh bằng cách chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết: Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có văn bản gửi các công ty sữa ngoại, yêu cầu các công ty này giải trình, phản hồi thắc mắc của dư luận về sự chênh lệch giá sữa nhập khẩu. Hội sẽ lên tiếng để bảo vệ người tiêu dùng khi thông tin có đầy đủ cơ sở, tránh gây thêm bức xúc cho dư luận.


Quản lý chặt để bảo vệ người tiêu dùng


Ngay sau khi có thông tin mức giá sữa nhập khẩu bán tại Việt Nam quá “vênh”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế và Tài chính giải trình về vấn đề này.


Theo Bộ Y tế, Bộ đã ban hành 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKT) về các sản phẩm liên quan đến sữa nhằm phân nhóm sản phẩm phục vụ mục đích quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều sản phẩm trước kia vẫn có tên là sữa đã đổi sang tên là “sản phẩm dinh dưỡng”, “thức ăn bổ sung”. Ngày 6/9, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 - 36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thuộc Danh mục hàng hóa quản lý giá. “Việc Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định.


Trong khi đó Bộ Tài chính lại cho rằng: Theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 thì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của nhà nước. Tuy nhiên, với việc đổi tên gọi thì các sản phẩm dinh dưỡng nêu trên lại không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Các QCKT trên được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX) hài hòa với tiêu chuẩn của ASEAN. Quá trình xây dựng các quy chuẩn được thảo luận đóng góp ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan quản lý Nhà nước…. Các QCKT cũng được gửi cho Văn phòng SPS, TBT để lấy ý kiến các quốc gia thành viên WTO theo đúng thông lệ quốc tế. Ngay sau khi ban hành các QCKT, Bộ Y tế cũng đã tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đăng tải trên các trang thông tin điện tử theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trước khi các QCKT nói trên có hiệu lực thi hành (ngày 1/6/2013), Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn số 516/ATTP-SP, ngày 28/3/2013, gửi Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính thông báo về thời hạn có hiệu lực của các QCKT nói trên và đề nghị xem xét và áp giá, đồng thời cung cấp danh mục các sản phẩm đã công bố tại Cục An toàn Thực phẩm. Như vậy, về bản chất, các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh trong 3 QCKT nêu trên là các sản phẩm thuộc nhóm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Luật Giá.


Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau: Do Bộ Y tế là cơ quan quản lý chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm sữa và thực phẩm dinh dưỡng nên đề nghị Bộ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này. Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.



P.Liên- M.Phương-H.Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN