Cảng cá Đông Tác hiện có khu chế biến, khu cất giữ ngư lưới cụ và có thể đáp ứng nhu cầu cho hơn 300 tàu thuyền; trong đó có hơn 240 tàu thuyền hành nghề khai thác xa bờ của ngư dân phường Phú Đông.
Tuy nhiên, hiện nay cảng này gần như “bỏ hoang”. Khu chế biến rộng hơn 240 m2 với đầy đủ hệ thống điện, cấp nước, 20 chiếc bàn inox dùng để sơ chế hải sản trước khi đưa đi tiêu thụ vắng bóng người, ngoài 2 nhân viên bảo vệ cảng. Tương tự, khu nhà dành cất giữ ngư lưới cụ của ngư dân cũng vậy. Dọc theo bờ cảng khoảng chục chiếc tàu cá công suất lớn đang neo đậu.
Do lạch Đông Tác bị bồi lấp nên tàu thuyền của ngư dân phải neo đậu tạm thời tại bờ kè phía Nam sông Ba.
|
Nguyên nhân chính là đầu tháng 2 vừa qua xuất hiện một con lạch dài khoảng 300 mét làm chắn ngang lối vào cảng nên tàu thuyền không thể ra vào được. Sau đó, UBND thành phố Tuy Hòa lập tức cho nạo vét thông luồng tạm thời, nhờ vậy đến ngày 23/2/2017 hầu hết tàu đều ra khơi hành nghề.
Thế nhưng từ đầu tháng 3 tình trạng bồi lấp luồng vào cảng Đông Tác xuất hiện trở lại. Do đó, những tàu neo đậu tại cảng không thể ra khơi; còn tàu thuyền của ngư dân sau khi hành nghề khai thác xa bờ lại không thể vào cảng được. Ngư dân buộc phải đi neo đậu ở các cảng khác để bán sản phẩm rồi nhập nhiên liệu, thực phẩm, đá ướp lạnh...để cho chuyến biển mới.
Ngư dân Lê Tấn Đạt ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa là chủ tàu cá PY 96536 TS đang neo đậu tại cảng vì không ra khơi được nói: “Thực tế cảng Đông Tác được xây dựng bà con rất mừng, nhưng bức xúc nhất của ngư dân chúng tôi là bây giờ luồng lạch bồi lấp nặng nên tàu ra vào không được. Như tàu của tôi đây neo miết như thế này thì tiền đâu trả lãi cho nhà nước, tiền đâu lo cuộc sống gia đình, rồi nuôi con cái học hành. Trên tàu đã chuẩn bị cho chuyến biển nhưng bị neo ở đây mãi thì thất thu đủ chuyện, không chỉ cảng cá mà còn ngư dân”.
Chỉ tay về phía hơn chục chiếc tàu cá con neo đậu tại cảng, ông Hà Viên, giám đốc Cảng cá Đông Tác cũng bức xúc nói: “Đây là những tàu công suất 150 mã lực trở lên. Do vừa qua bị bồi lập nên tàu không thể ra khỏi lạch được để sản xuất. Trong khi chủ tàu cũng đã sẵn sàng nhiên liệu, thực phẩm, đá lạnh....để chuẩn bị cho chuyến biển. Nếu lạch không khơi thông thì những tàu này chỉ nằm bờ thôi”.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Phát cũng ở phường Phú Đông cho biết: “Bà con thấy cảng cá được xây dựng như thế này rất hoan nghênh; để làm ra lợi nhuận cho bà con, để tàu thuyền đi về thong thả hơn các nơi khác vì những nơi đó không tốt như cảng Đông Tác. Nhưng bây giờ luồng lạch bị lấp nên bà con cũng bó phép. Tôi cũng kiến nghị Nhà nước, tỉnh sớm khai thông luồng lạch ra để bà con đưa tàu thuyền về cảng cá bán hải sản, sau đó bơm nước, lấy dầu, lấy đá... để vươn khơi bám biển những chuyến biển tiếp”.
Do cảng Đông Tác không hoạt động nên bà con phải cập bến các cảng khác, dẫn đến chi phí tăng cao, kéo theo sẽ giảm thu nhập. Theo ngư dân, chi phí một chuyến biển nếu nhập hàng tại cảng Đông Tác tốn khoảng 100 triệu đến 150 triệu đồng nhưng khi cập cảng khác thì chi phí sẽ tăng thêm khoảng 12%.
Ngư dân Nguyễn Văn Tính ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa cho biết: “Tàu thuyền bà con ở phường Phú Đông thì về Phú Đông đậu, còn đi Phú Lạc (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên – PV), Tiên Châu (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - PV) hay Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) thì bà con tốn phí rất nhiều do ở xa. Cho nên, chúng tôi kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm làm sao nạo vét cho thông thoáng luồng lạch để bà con ra vào cảng thuận tiện”.
Theo ông Hà Viên, Giám đốc cảng cá Đông Tác, đây là cảng loại 1 được đầu tư đáp ứng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ tốt cho nghề câu cá ngừ đại dương của tỉnh, của thành phố Tuy Hòa với mục tiêu nâng cao chất lượng cá ngừ và giảm tổn thất trong quá trình tiêu thụ, làm hàng tại bờ. Nếu không có phương án nạo vét thì tàu thuyền sẽ không thể cập cảng Đông Tác.
“Chúng tôi kiến nghị với các ngành liên quan, UBND thành phố Tuy Hòa sớm có giải pháp hữu hiệu để khơi thông luồng lạch. Sau khi khơi thông thì tàu thuyền mới về cập bến và làm hàng; đồng thời chúng tôi mới có điều kiện quản lý được chất lượng và sản lượng hải sản, nhất là cá ngừ đại dương” ông Hà Viên nói.