Sau khi đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015, chưa bao giờ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đề cập với tinh thần quyết liệt cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá như hiện nay. Từ nhận thức đến cơ chế chính sách, đối tượng, lộ trình, trách nhiệm và tổ chức thực hiện đều được các chuyên gia kinh tế thảo luận và cân nhắc kỹ.
Áp lực cổ phần hóa
Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Đỗ Chí nhận xét các tập đoàn, tổng công ty nhà nước một thời được xem là “quả đấm thép” nhưng trong 20 năm qua, bên cạnh một số thành tựu và một số đơn vị đóng góp tốt cho nguồn thu nhà nước, rất nhiều “quả đấm thép” thua lỗ trầm trọng làm mất vốn nhà nước. Các món nợ ngân hàng (NH) của nhiều DN nhà nước lại thiếu tài sản thế chấp hay nếu có thì tài sản đó phần lớn thuộc sở hữu nhà nước, gây cản trở lớn cho hệ thống NH trong xử lý nợ xấu.
Kiểm phiếu tại phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng hồi tháng 2/2014, doanh nghiệp mới nhất của Bộ Xây dựng cổ phần hóa. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN |
Đến nay, số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con thuộc DN nhà nước lên tới 1,35 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, 48 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó, riêng Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam hơn 53 lần, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng gần 21 lần, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông I hơn 18 lần…
Do nhiều tập đoàn, tổng công ty không tự chủ được tài chính, phụ thuộc vào nguồn vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Một số tập đoàn, tổng công ty đang có nợ quá hạn lớn, kinh doanh thua lỗ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu nên tài sản không bảo đảm khả năng thanh toán nợ hiện có. Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài hơn 315.000 tỉ đồng (tính quy đổi ra VNĐ), trong đó vay ODA và Chính phủ bảo lãnh chiếm 2/3.
Trong khi đó, đến tháng 12/2015 cộng đồng kinh tế Asean bắt đầu hoạt động. Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, cho biết khi các hiệp định thương mại tự do mới được thực hiện như TPP, FTA với EU… thì mức độ cạnh tranh của các DN sẽ gay gắt và quyết liệt hơn. Do đó, các DNNN muốn tồn tại và phát triển phải tự đổi mới mình, phải tiến hành nhanh cuộc “đại phẫu”, đó là tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN.
Hiệu quả sau khi tái cấu trúc
PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng điều đầu tiên để tái cấu trúc DNNN là cần đổi mới tư duy, nhận thức và cơ chế về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu; rà soát lại các cơ chế, chính sách hiện hành, trong đó có cơ chế tài chính hiện nay đang có nhiều kẽ hở để các DNNN lợi dụng. Bên cạnh đó, xây dựng một môi trường thông thoáng để các DNNN phát huy mọi lợi thế để hoạt động một cách sáng tạo, chủ động và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Với những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài cần thay đổi bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp; sau đó là phân loại doanh nghiệp để có thể cho phá sản, bán bớt doanh nghiệp, cổ phần hóa tiếp một số doanh nghiệp không thực sự cần thiết phải 100% vốn nhà nước, thực hiện đa sở hữu đối với DNNN. Chỉ giữ lại một số ít doanh nghiệp đặc biệt quan trọng có tính chiến lược sống còn đối với nền kinh tế và do cấp trung ương quản lý, hạn chế doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý.
Cũng theo ông Lương Văn Tự, sau khi cổ phần hóa DNNN, các DN nên nhanh chóng đầu tư công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, tổ chức tốt khâu nghiên cứu thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, xây dựng các đối tác để hợp tác làm ăn nhất là các tập đoàn đa quốc gia vừa có công nghệ, có vốn và thị trường.
Xây dựng mạng lưới tiêu thụ trong nước và tham gia vào mạng lưới tiêu thụ của khu vực và thế giới. Áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, áp dụng công nghệ thông tin đi đôi với văn hóa kinh doanh của người châu Á. Bởi một khi Asean đã trở thành cộng đồng kinh tế với trên 600 triệu dân, thuế nhập khẩu bằng 0 - 5% thì các doanh nghiệp phải tính đến việc sản xuất sản phẩm cho thị trường Asean chứ không phải sản phẩm cho riêng thị trường Việt Nam nữa…
Ông Đặng Đức Thành, Ủy viên BCH Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) minh chứng thực tế, nhiều DNNN sau khi tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp đã đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế. Điển hình như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), trước đây kinh doanh 2 mặt hàng là cà phê và sữa. Tuy nhiên, tháng 2/2010 Công ty quyết định chuyển nhượng nhà máy Café Sài Gòn cho Công ty Cổ phần Trung Nguyên với giá gần 40 triệu đô la Mỹ, và quyết định bỏ sản xuất mặt hàng cà phê, tập trung nguồn lực cho một ngành là “sữa”. Kết quả doanh thu các năm sau tăng vượt lên, lợi nhuận tăng lên.
Theo VNM, để đạt được thành công từ cổ phần hóa đó là việc lựa chọn người đứng đầu (CEO) là bà Mai Kiều Liên với đầy đủ phẩm chất tuyệt vời của người CEO. Đồng thời, xác định chọn ngành sản xuất và kinh doanh “sữa” các loại là loại sản phẩm có nhu cầu rất lớn sau nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, VNM nhờ thực hiện công khai minh bạch thông tin, tổ chức kiểm toán hàng năm tốt; niêm yết sớm công ty trên thị trường chứng khoán, giúp huy động vốn thành công, giảm hẳn nguồn vốn vay ngân hàng, phục vụ kịp thời cho phát triển.
Tương tự, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cũng là một trong những mô hình cổ phần hóa DNNN thành công. Đó là việc lựa chọn người đứng đầu Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Phạm Thị Việt Nga. DHG cũng xác định chọn ngành sản xuất kinh doanh dược phẩm các loại phục vụ nhu cầu thiết thực của con người đã đem đến sự thành công của công ty trong nhiều năm qua. Việc lên sàn niêm yết sớm (21/12/2006), DHG đã huy động vốn thành công phục vụ kịp thời cho phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng tăng.
Nhất là trong năm 2007, sau khi hát hành thêm 2 triệu cổ phiếu, đã mang lại thặng dư cho công ty là 379 tỷ đồng. Nhiệm vụ trọng tâm của DHG là nghiên cứu và phát triển (R&D), nên công ty tự sản xuất được các sản phẩm chứ không phải sản xuất nhượng quyền hay gia công cho các hãng dược nước ngoài. Ngoài ra, với việc xây dựng thành công mạng lưới phân phối hiệu quả này, phần lớn các sản phẩm của DHG được bán qua kênh thương mại và kênh phân phối này chiếm 89% tổng doanh thu trong năm 2013.
Hải Yên