Việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này được kỳ vọng tăng sự minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đây cũng là một trong những nội dung được xã hội đặc biệt quan tâm.
Được ban hành năm 2014, Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 4 năm thực hiện, Luật Xây dựng đã bộc lộ không ít hạn chế, nhất là khi có một số luật mới liên quan được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc, cùng nhiều Luật khác được sửa đổi...
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Để minh bạch hoạt động xây dựng, Luật Xây dựng sửa đổi sẽ điều chỉnh các hoạt động liên quan. Cụ thể là từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng, thực hiện dự án cho đến khi đưa vào vận hành khai thác… bởi có liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, pháp luật chuyên ngành về đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn lao động,…
Các chuyên gia đánh giá, nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật Xây dựng sửa đổi tập trung vào các vấn đề cấp bách, giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột với các luật hiện hành liên quan.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng khẳng định, việc sửa Luật Xây dựng được kỳ vọng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đặc biệt là các cải cách về quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận xét, hiện việc cấp phép và thanh tra gây bức xúc bởi cấp phép không quy định rõ ràng gây rắc rối cho nhà đầu tư. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh có quy định là nếu đã có quy hoạch 1/500 chi tiết không phải xin cấp phép. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện được như vậy.
Do đó, việc cải cách cần được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa trong việc sửa đổi luật. Trước đây, quản lý nhà nước trong cấp phép hoạt động đầu tư xây dựng phải qua 3 bước bây giờ sẽ theo hướng tích hợp. Đơn cử như việc thẩm định với cấp phép được ghép với nhau để giảm thời gian, chi phí cho chủ đầu tư – ông Hiệp phân tích.
Đặc biệt, Luật sửa đổi sẽ phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định thiết kế xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp việc thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam – Công ty sản xuất phát triển Hạ Long (BIM Group) nhận xét, việc hợp nhất giữa cấp phép xây dựng và thiết kế kỹ thuật sau bước thiết kế cơ sở giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đi lại; nhất là khi phải thực hiện nhiều dự án các địa bàn khác nhau. Việc hợp nhất hoặc bỏ qua một số công đoạn cho một số dự án thực sự hiệu quả nên doanh nghiệp rất mong muốn Luật sớm đi vào thực tế.
Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Hoàng Quang Nhu chia sẻ, với các nội dung sửa đổi, bổ sung, dự án Luật Xây dựng sửa đổi đã tuân thủ về mục đích, yêu cầu và chính sách pháp luật đã được thông qua khi trình hồ sơ xây dựng Luật. Toàn bộ các nội dung sửa đổi không phát sinh thủ tục hành chính, sửa đổi theo hướng giảm bớt đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện. Điều này góp phần giảm chi phí tuân thủ thực hiện thủ tục hành chính và các chi phí liên quan.
Bộ Xây dựng đã thực hiện báo cáo đánh giá thủ tục hành chính (nộp kèm với hồ sơ dự án Luật), tỷ lệ cắt giảm chi phí cho các thủ tục cụ thể như: thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng là 39,83%; tích hợp thẩm định thiết kế và miễn phép xây dựng là 43,65%, cấp phép xây dựng 17,62%.
Bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, các nội dung sửa đổi vẫn đảm bảo nguyên tắc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.