Năm 2015 dự kiến sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng hóa XK trong nước cũng gặp nhiều áp lực hơn, đặc biệt trong vấn đề truy nguyên nguồn gốc. Quy định từ “sân chơi” quốc tếNăm 2015, dự kiến Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ kết thúc đàm phán và được ký kết. Theo đó, yêu cầu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên EU phải có nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, thực tế nguồn gỗ nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp từ trước đến nay lại được nhập từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tương tự, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng có khả năng sẽ được thông qua với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, được đánh giá là Hiệp định thương mại của thế kỷ XXI. Là một trong những ngành ưu tiên trong các vòng đàm phán, dệt may được xem là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TPP. “Để được hưởng thuế suất 0%, TPP đặt ra những qui định về qui tắc xuất xứ của các nước thành viên. Hiện ngành dệt may vẫn chưa chủ động được về nguyên liệu khi các doanh nghiệp trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 5% về bông, hơn 50% về xơ và một phần rất nhỏ về sợi, nhuộm của nhu cầu sản xuất. Vì vậy, tỉ trọng nguyên liệu đảm bảo xuất xứ theo quy định của TPP là rất thấp và phần lớn các doanh nghiệp trong ngành sẽ rất vất vả tận dụng được lợi thế này”, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho hay.
Vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu đang làm không ít doanh nghiệp “đau đầu”. |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết truy xuất nguồn gốc là yêu cầu của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm thu thập và truyền tải các thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đến người tiêu dùng. Việt Nam đang nằm trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và sản phẩm tôm đông lạnh đang được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Mặc dù từ lâu các doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu, đặc biệt về truy xuất nguồn gốc. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp trong nước phải chịu những thiệt hại không nhỏ về tài chính và uy tín tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Tình trạng trên sẽ còn “mệt” hơn khi các hiệp định thương mại được ký kết và các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện đúng những cam kết.
Cần xây dựng chuỗi liên hoànTheo các chuyên gia trong ngành, dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn “sóng gió” cuối cùng để bứt phá khi từ năm nay, các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán sắp có kết quả. Để khắc phục thách thức lớn khi nguyên tắc xuất xứ được áp dụng, các doanh nghiệp cần chú ý đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng liên hoàn, trong đó những doanh nghiệp lớn phải tận dụng cơ hội để phát triển chuỗi, các doanh nghiệp nhỏ cần tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài dựa trên lợi thế so sánh...
“Thông qua việc từng bước đổi mới công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt, nhuộm…, các doanh nghiệp trong ngành đang khẩn trương thích nghi điều kiện sản xuất mới. Với đặc điểm các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực đều quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ từ sợi, vải… ngành đang tích cực đầu tư cho việc phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm XK. Chúng tôi đã đặt mục tiêu đến năm 2017 có thể chủ động được khoảng 55% vải các loại trong chuỗi doanh nghiệp của mình”, ông Trường cho hay.
Riêng ở ngành thủy sản, theo ông Hòe, ngành chức năng đang tăng cường đầu tư kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Hiện tại các tỉnh phát triển đánh bắt xa bờ, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra tàu bè, vựa…; tăng cường tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm từng bước cấp chứng nhận cho các cơ sở, đại lý thu mua. Trong lĩnh vực nuôi trồng, các doanh nghiệp đang tổ chức liên kết từ sản xuất từ con giống cho đến công tác chế biến, thương mại; liên kết giữa người nuôi với nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…
“Người nuôi đã được các doanh nghiệp tổ chức tập huấn hướng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó có những quy định về vùng nuôi, diện tích… sao cho phù hợp với quy định và chính các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng. Khi tiến hành truy xuất nguồn gốc với sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải liên kết với người nuôi và sẽ phải cam kết đem lại giá trị sản phẩm cao hơn. Tất nhiên, trước khi quyết định sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ lợi ích, hiệu quả và cân nhắc đưa ra biện pháp như thế nào cho phù hợp” ông Hòe nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa