Tuy nhiên, trên thực tế câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Để hiểu rõ hơn quy trình kiểm tra, giám sát cũng như làm thế nào để giải quyết vấn đề này, phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới đã phỏng vấn ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm.Vậy cơ quan quản lý thị trường đã triển khai những hoạt động gì nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh?
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam và diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường chú trọng các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Ngoài ra, để ngăn chặn dịch lây lan từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam, Tổng cục cũng đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn.
Mặt khác, Tổng cục cũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ thành lập hai đoàn kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh Ninh Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định và Thái Bình.
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Không những thế, lực lượng còn hướng dẫn người dân nhận biết và sử dụng thịt lợn an toàn thực phẩm, tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm lợn không nhiễm bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Không ít ý kiến cho rằng việc thiếu phương tiện cũng như khả năng nhận biết với những thực phẩm không an toàn trong kiểm tra, giám sát sẽ tạo ra kẽ hở cho việc cung cấp thực phẩm bẩn. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Hàng năm, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nghiệp vụ kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng quản lý thị trường cả nước. Các Cục Quản lý thị trường địa phương cũng tổ chức các buổi tập huấn và cuộc thi nghiệp vụ để giúp các kiểm soát viên thị trường được trao dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Do vậy, trình độ của lực lượng quản lý thị trường nói chung đáp ứng được yêu cầu công việc và có khả năng phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm ở mức độ tinh vi, phức tạp.
Tuy nhiên, căn cứ để xác định các vi phạm về thực phẩm giả, kém chất lượng cần thiết dựa vào kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định. Điều này cho thấy, nếu thiếu các phương tiện kỹ thuật và kinh phí để thực hiện thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kiểm tra và xử phạt.
Tới đây, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những hành động quyết liệt nào để đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng sự mong mỏi của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh chân chính, thưa ông?
An toàn thực phẩm là vấn đề được cả hệ thống chính trị quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, việc đảm bảo chất lượng thực phẩm là công việc thường xuyên, lâu dài của các bộ, ngành, nhiều lực lượng chức năng và của toàn xã hội.
Trong thời gian tới, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể và truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế.
Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, thực hiện hiệu quả an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hơn nữa, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ làm tốt việc quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường tập trung rà soát, tổng hợp các vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra và xử lý vi phạm.
Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, minh bạch các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!