Việc này vừa đón phù sa, tháo chua rửa phèn, tăng độ phì nhiêu cho đồng ruộng, vừa mang theo nguồn lợi thủy sản, giúp người dân có thêm sinh kế trong mùa lũ.
Năm nay, sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu, nhiều cánh đồng ở huyện Hồng Ngự không gieo sạ tiếp tục vụ lúa Thu Đông mà cho đất nghỉ ngơi trong mùa lũ. Mới đây, đồng loạt 6 miệng cống tại khu ô bao số 1 và số 2 trên địa bàn xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự đều được mở. Vì mực nước chênh lệch giữa bên trong ô bao và ngoài kênh từ 50 - 70 cm nên khi những chiếc nắp cống kéo lên, dòng nước nhanh chóng chảy vào cánh đồng rộng mênh mông. Nhìn dòng nước đục ngầu phù sa chảy vào đồng ruộng, nhiều người dân địa phương rất phấn khởi. Bà con kỳ vọng vào một “mùa lũ đẹp”, với nhiều sản vật mùa nước nổi và bồi đắp phù sa màu mỡ cho đất ruộng.
Đang tham gia cùng với những người dân trong xóm mở nắp cống, ông Dương Văn Thương ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự cho biết, nếu không có phù sa vào đồng thì ruộng lúa sẽ “nặng” phân bón, nhiều cỏ dại và dịch bệnh. Vì vậy, không những năng suất lúa kém mà còn chi phí cao về vật tư nông nghiệp. Ông rất vui vì nước lũ tràn về, cống đã mở cho nước vào, lấy phù sa cho đồng ruộng để vụ mùa tới lúa sinh trưởng, phát triển tốt và trúng mùa hơn.
Ông Thương cho biết thêm, xả nước vào thời điểm này là rất hợp lý vì nước từ đầu nguồn chảy xuống còn đục, nghĩa là nước còn mang nhiều phù sa. Theo dòng nước lũ, nhiều loại cá và tôm, cua… vào đồng ruộng để tìm thức ăn, sinh sản. Vì vậy trong mùa lũ, chỉ cần một chiếc dớn đặt trên đồng là gia đình ông Thương sống khỏe, không lo về thức ăn hàng ngày, đỡ tốn chi phí sinh hoạt; cũng có khi dư ăn, mang đi bán, giúp có thêm thu nhập trong những tháng nước ngập trắng đồng.
Ông Dương Văn Mến trú xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự cho hay, nước lũ năm nay về sớm hơn cùng kỳ năm trước, có lẽ mang theo nhiều phù sa vì màu nước đục ngầu. Ông rất trông chờ nước lũ vào đồng vì sẽ có cá tôm và đất ruộng thêm màu mỡ, vụ lúa tiếp theo sẽ đạt năng suất hơn. Được sự thống nhất của chính quyền địa phương, từ sáng sớm, ông Mến đã có mặt để tham gia góp sức kéo nắp cống lên cho nước vào đồng ruộng vì nắp cống to, làm bằng sắt rất nặng, phải dùng ròng rọc nâng lên.
Với 6 miệng cống đồng loạt kéo lên nên chỉ sau vài giờ, dòng nước mang phù sa đã vào ngập 2 khu ô bao của xã Thường Thới Hậu A với tổng diện tích khoảng 1.015 ha. Đây được xem là địa phương đầu tiên của huyện Hồng Ngự mở cửa cống, xả nước lũ, đón dòng phù sa.
Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự cho biết, cánh đồng ruộng trên địa bàn xã có đê bao bảo vệ để chủ động nguồn nước tưới tiêu. Mùa lũ năm nay, các cống của đê bao đều đã được mở nắp cho nước vào. Việc xả lũ, lấy phù sa vào đồng ruộng diễn ra từ nay cho đến khi mực nước lũ đạt “đỉnh”, địa phương mới đóng các nắp cống lại. Khi nước lũ rút, sẽ bơm nước ra cho nông dân làm đất, xuống giống sớm vụ lúa mới.
Theo UBND huyện Hồng Ngự, toàn huyện có 13 khu ô bao sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gần 12.000 ha. Mùa lũ năm 2024, có 12/13 khu ô bao (trên 9.357 ha) sẽ mở cống, xả lũ đón phù sa trong thời gian hơn 2 tháng. Trong số đó, có 9 ô bao tiến hành xả lũ hoàn toàn, không kiểm soát mực nước trên đồng; còn ô bao số 1 (xã Thường Phước 1), ô bao Long Khánh A, B (xã Long Khánh A và Long Khánh B), ô bao Long Phú Thuận (xã Long Thuận, Phú Thuận A và Phú Thuận B) tiến hành xả lũ có kiểm soát, mực nước là 3m. Chỉ riêng khu ô bao rộng 2.600 ha thuộc địa bàn xã Thường Phước 2 và thị trấn Thường Thới Tiền là không xả lũ.