Trang trại chăn nuôi lợn rộng 2 ha của anh Nguyễn Phước Minh ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên bắt đầu liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam theo hình thức nuôi gia công từ năm 2009. Trang trại có 3 dãy chuồng nuôi rộng 1.800 m2 đang thả nuôi 1.000 con lợn thịt.
Các hộ chăn nuôi lợn tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tiếp tục chăm sóc đàn lợn chờ giá nhích lên mới xuất chuồng. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Theo như cam kết giữa anh Minh và phía Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chủ cơ sở chăn nuôi sẽ đầu tư xây dựng về mặt chuồng trại theo như mẫu thiết kế của phía công ty đưa ra. Phía công ty sẽ đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra.
Khi lợn đến thời điểm xuất chuồng, phần lợi nhuận sẽ được chia cho người chăn nuôi giao động từ 2.000- 2.500 đồng/kg thịt hơi. Với mức thỏa thuận này, mỗi năm gia đình anh Minh cũng có thu nhập 400 triệu đồng từ việc nuôi gia công 2 lứa lợn.
Anh Nguyễn Phước Minh cho biết, trước đây gia đình cũng chỉ nuôi lợn theo quy mô gia trại khoảng hơn 10 con, thu nhập thất thường vì phụ thuộc vào giá cả thị trường, chưa kể những rủi ro khi có dịch bệnh xảy ra.
Mô hình nuôi lợn gia công mặc dù phải đầu tư chi phí chuồng trại ban đầu lớn, nhưng đổi lại người chăn nuôi không phải lo vấn đề đầu ra. Trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên tham gia chuỗi liên kết cũng rất rõ ràng để đảm bảo cung ứng nguồn thịt lợi ổn định, chất lượng ra thị trường.
Huyện Duy Xuyên hiện có 9 trang trại nuôi lợn gia công liên kết với các công ty chăn nuôi. Trái ngược với những trang trại nuôi gia công có đầu ra ổn định, hàng ngàn hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ của huyện Duy Xuyên lại đang lao đao, tìm cách bán tháo lợn vì giá cả xuống quá thấp, nếu giữ lợn ở trong chuồng sẽ càng lỗ vì tốn chi phí thức ăn.
Theo ông Huỳnh Văn Ánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, giá thịt lợn hơi tại địa phương hiện nay dao động từ 28.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Cùng đó, giá cả quá thấp khiến đa phần các hộ chăn nuôi ngừng tái đàn, giá lợn giống trong dân chỉ còn 100.000 đồng/con lợn, thay vì 700.000 đồng/con lợn ở cùng thời điểm này năm 2016.
Chi cục Thú y Quảng Nam cho hay, tỉnh hiện có 45 cơ sở chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH Thái Việt Swine line theo hình thức nuôi lợn gia công, tập trung chủ yếu ở thị xã Điện Bàn, huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức… Tổng đàn lợn thịt thường xuyên của các cơ sở chăn nuôi lợn gia công là gần 42.000 con, hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 8.400 tấn thịt lợn hơi.
Để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia công, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 12/2016 QĐ-UBND về quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016- 2020.
Theo đó, các cơ sở chăn nuôi gia công được hỗ trợ đầu tư tối đa bằng 60% tổng mức đầu tư, nhưng không quá 2 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, điện, nước trong hàng rào dự án. Đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, bố trí các khu chăn nuôi tập trung để giải quyết nhu cầu về mặt bằng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn cho các tổ chức, cá nhân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết, hiện nay nhiều công ty chăn nuôi đang có ý định mở rộng liên kết với người dân theo mô hình chăn nuôi gia công.
Mô hình này có ưu điểm giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ quản lý, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, khả năng nắm bắt thị trường... Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cũng như xử lý chất thải chăn nuôi góp phần đảm bảo yếu tố môi trường.