Giá 1 kg lợn hơi bằng... 4 ly trà đá

Giá lợn thịt trên địa bàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp "lao dốc" khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều chủ chăn nuôi lớn đang trở thành con nợ.

Nếu như giá lợn thịt những ngày đầu tháng 4/2017 được bán tại cửa chuồng phổ biến từ 27.000 đến 30.000 đồng/kg hơi người nuôi đã phải cam chịu cảnh "ngậm đắng nuốt cay" thì hiện nay giá tiếp tục giảm thê thảm chỉ còn 18.000 đến 20.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành chi phí cho mỗi kg lợn hơi lên tới .000 đến 42.000 đồng... khiến các hộ nuôi lớn thực sự bị cú "sốc" lớn.

Trong lúc chăn nuôi gặp khó, người nuôi càng khó vay vốn duy trì chăn nuôi bởi không ít các đại lý cám quay ra từ chối bán chịu thức ăn cho người dân vì sợ không có khả năng thanh toán, nhất là những người đã vay nợ nhiều. Với cảnh lợn rớt giá triền miên các đại lý cùng có một suy nghĩ bán chịu cám, vật tư là sau này rất khó đòi nợ.

Nhiều chủ chăn nuôi lớn đang trở thành con nợ do giá lợn thịt liên tiếp "lao dốc". Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Vấn đề lợn rẻ, lợn ế là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong những ngày gần đây. Đã có người so sánh sản phẩm lợn hơi rẻ mạt đến mức 1 kg lợn hơi tương ứng với 4 ly trà đá; cả một con lợn tạ (100 kg) giá chỉ bằng một mâm cỗ cưới đặt ở nhà hàng sang trọng trên phố.

Ông Hoàng Quang Lộc, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, HTX chăn nuôi Hoàng Long có 47 hộ, chăn nuôi 1.036 nái lợn sinh sản để cung cấp nguồn cho việc nuôi lợn thịt chủ yếu tại chỗ.

Trung bình mỗi tháng, HTX chăn nuôi Hoàng Long bán ra ngoài thị trường 1.300-2.000 con lợn thịt. Giá bán lợn thịt hiện tại của HTX là 17.000 đến 21.000 đồng/kg hơi. Vậy tại thời điểm này mỗi con lợn từ 100-120 kg bán ra thị trường, HTX lỗ gần 2 triệu đồng/con.

Riêng gia đình ông Hoàng Quang Lộc, một thành viên HTX chăn nuôi Hoàng Long hiện nuôi 50 con lợn nái, trên 450 con lợn thịt mỗi tháng bán ra thị trường từ 50 đến 70 con. Trong lúc chăn nuôi thua lỗ, ế ẩm này, khách hàng thích mua loại lợn nào là gia đình anh bán loại đó.

Ông Lộc cho biết, với lợn có trọng lượng trên dưới 40 kg, gia đình đang bán với giá 20.000 đồng/kg và người mua loại này thường về làm thịt lợn quay; lợn nái thanh lý chỉ 10.000 đến 12.000 đồng/kg; lợn nái bán phá đàn giá 3.000.000 đồng/con.

Trong khi đó, mỗi một con lợn gây nái tính từ lúc mua con giống đến khi sinh sản phải đầu tư trên dưới 10.000.000 đồng/con.

Theo ông Lộc, cho dù lợn thịt đủ trọng lượng xuất chuồng hay lợn thịt nhỏ hơn với trên dưới 40 kg/con hoặc lợn nái thanh lý bán trong thời điểm này đều thua nỗ nặng nề. Người chăn nuôi giờ đây quá chán ngán, nhiều hộ không muốn cho lợn nái sinh để mà tìm cách triệt sản... để giảm số lượng đàn.

Hiện, nhiều hộ chăn nuôi ở Vĩnh Phúc mong muốn Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp hỗ trợ cho nông dân giảm bớt khó khăn; đặc biệt, trước mắt cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, gia hạn hợp đồng vay vốn, đi theo đó là có biện pháp tiêu thụ sản phẩm...

Nhà nước cũng cần xem, đánh giá tổng thể và toàn diện các doanh nghiệp và cơ sở giết mổ, các khâu phân phối lưu thông, các đại lý bán buôn và bán lẻ sản phẩm thịt để tìm ra những vấn đề bất hợp lý về chi phí, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng buôn bán chộp giật, không lành mạnh.

Hiện nay, trong lúc giá lợn thịt hơi quá "bèo bọt" mà sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất cũng ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ.

Ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho biế, lợn thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh, thành khác trong nước đang có nhiều biến động tiêu cực do yếu tố giá cả thị trường, sức tiêu thụ... chi phối.

Trước tình trạng khó khăn nan giải này, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiến hành rà soát thống kê cụ thể, từ đó đánh giá, phân tích, đưa ra những khuyến cáo, dự báo và đồng thời cung cấp thêm các thông tin hữu ích cho nông dân.

Trước mắt, tỉnh giao cho các ngành chức năng hướng dẫn, tuyên truyền vận động các gia đình, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi không tăng đàn trong thời điểm này; tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn, nhân rộng mô hình chăn nuôi đúng quy trình VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và của các nước nhập khẩu.

Tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở chăn nuôi làm tốt khâu chọn giống, nhân giống lợn có chất lượng cao; tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân hình thành và phát triển các đại lý, cửa hàng bán sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Các nhà bán lẻ gửi thư ngỏ kêu gọi 'giải cứu" thịt lợn
Các nhà bán lẻ gửi thư ngỏ kêu gọi 'giải cứu" thịt lợn

Trước thực trạng nguồn cung lợn hơi đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước khiến giá thịt lợn hơi lao dốc, gây thua lỗ nặng cho người chăn nuôi và khó khăn trong việc tiêu thụ, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN