Anh Phạm Văn Hải, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, vừa tìm tòi vừa học hỏi, anh đầu tư xây dựng hai nhà màng, với hơn 800 m2/nhà để trồng dưa lưới. Anh Hải đào ao lót bạt trữ nước tưới vào mùa hạn mặn, dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel. Theo anh Hải, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp sản phẩm có chất lượng đảm bảo, do trồng trong nhà màng nên ngăn ngừa dịch bệnh, sâu rầy, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giảm được chi phí trong sản xuất làm tăng lợi nhuận.
Anh Hải cho biết, vốn đầu tư cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống và nhân công ban đầu khoảng 350 triệu đồng. Mỗi vụ dưa thường kéo dài từ 60 - 70 ngày/vụ, nhà vườn có thể canh tác được 4 - 5 vụ/năm. Sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 3 tấn/vụ/nhà màng, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi hơn 50 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến hơn 300 triệu đồng.
Theo anh Hải, hệ thống nhà kính có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất. Riêng khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây, chính xác nên cây phát triển đồng đều và tiết kiệm nước.
Nông dân Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) gắn bó và làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao. Với trên 40 ha nuôi tôm công nghệ cao, ông Sấm thu hoạch trung bình 70-90 tấn/ha, mỗi năm thu lợi hơn 25 tỷ đồng. Theo ông Sấm, trước đây, ông phải "lận đận" với con tôm biển hơn 20 năm, có lúc, ông phải bán ao để trả nợ, vì tôm nuôi nhiễm bệnh. Năm 2013, ông "chơi lớn" đầu tư thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Theo ông, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản.
Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Khả năng thành công trên 90%, một năm có thể nuôi 2 - 3 vụ. Tuy nhiên, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Đa số người nuôi tôm hiện nay ứng dụng công nghệ cao chia thành 2 - 3 giai đoạn nuôi như ươm giống, tôm nhỏ, tôm lớn… để giúp tôm đạt hiệu quả, ông Sấm lưu ý.
Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030; trong đó có nuôi tôm công nghệ cao, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 là 5.000 ha. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao; Đồng thời, tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển được 2.867 ha tôm công nghệ cao đạt hiệu quả cao. Năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 42.000 tấn chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Bến Tre.
Còn tại Trà Vinh - nơi có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, để nâng cao sản lượng và chất lượng cho ngành hàng chủ lực, các nông dân trồng dừa đã tuân thủ áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng an toàn, hiện đại. Canh tác hơn 7.000 m2 dừa, nhà vườn Phan Văn Mót ngụ ấp An Cư, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết, một trong những kỹ thuật được ông ưu tiên áp dụng là trồng thưa, bình quân 20 - 22 cây/1.000 m2. Thêm vào đó, mỗi năm ông bồi bùn một lần; thường xuyên làm cỏ, cắt tỉa để hạn chế sâu bệnh, chuột đục khoét trái dừa non; trữ nước ngọt bằng hệ thống đê bao cục bộ để đảm bảo nước ngọt phục vụ tưới tiêu, định kỳ 10 ngày tưới một lần để cung cấp nước và giữ độ ẩm để dừa giảm rụng trái non, giảm năng suất.
Đặc biệt trong quá trình canh tác, ông Mót ưu tiên tận dụng nguồn phế phẩm chăn nuôi tại địa phương (phân dê, bò,...) và bả thực vật, men vi sinh để "trả lại hữu cơ" cho đất. Bởi theo ông, phân chuồng chứa nhiều dưỡng chất giúp đất tơi xốp, cây trồng dễ hấp thụ, có độ ẩm ổn định, an toàn khi sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Mót cho biết, bón phân hữu cơ bón từ 25 - 30 kg/cây/năm, chia làm 2 đợt bón vào đầu và cuối mùa mưa. Nhờ vậy, thời điểm hạn hán, mặn xâm nhập vẫn không ảnh hưởng đến vườn dừa của ông.
Ông Mót nói thêm, nông dân tham gia mô hình trồng dừa hữu cơ, ngoài việc được ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, cách sử dụng phân bón tiêu chuẩn hữu cơ, điều an tâm nhất là được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15% so với cách sản xuất truyền thống trước đó. Hiện, vườn dừa của ông phát triển rất tốt, lá xanh mướt, ít sâu bệnh, năng suất cũng tăng từ tăng 800 - 1.000 trái/tháng, ông Mót so sánh.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế, ông Mót đã vận động nhiều hộ dân ở ấp An Cư tham gia trồng dừa hữu cơ. Đến nay, toàn ấp An Cư có gần 50 hộ trồng dừa hữu cơ trên diện tích khoảng 60 ha. Tất cả diện tích này đều được Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) bao tiêu sản phẩm, với giá cao hơn giá thị trường từ 4.000-5.000 đồng/chục.
Theo thống kê, toàn tỉnh Trà Vinh trồng trên 26.000 ha dừa với gần 7 triệu cây; trong đó diện tích cho trái gần 22.000 ha, sản lượng 444 triệu trái/năm, tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè. Hiện, toàn tỉnh Trà Vinh có diện tích dừa hữu cơ đạt gần 5.000 ha, với sản lượng trên 78.500 tấn trái/năm.
Tháng 6/2022, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu: "Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất cao, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế của từng địa phương góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu".
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tỉnh đạt khoảng 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân trên 5%/năm; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh có kinh tế nông nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường,…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, để hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương theo 3 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương) cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng tiểu vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác, Trà Vinh sẽ tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; trong đó, tăng cường nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Bến Tre ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho rằng, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp người nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và tiếp cận thị trường tốt hơn. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, trong năm 2023, ngành nông nghiệp đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, phát triển và ngày càng hoàn thiện hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp, thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai... cũng như quản lý về địa lý, bản đồ chuyên đề về nông nghiệp, quản lý rừng, thủy lợi, môi trường nước trong trồng trọt và thủy sản, quản lý tình hình diễn biến sâu, bệnh hại cũng như quản lý khai thác của các tàu cá, quản lý chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đầu ra cho ngành nông nghiệp.
Bến Tre sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp như: thiết bị giám sát mặt đất, theo dõi chất lượng nước mặt, diễn biến xâm nhập mặn, dự báo và cảnh báo trên diện rộng, dữ liệu cập nhật liên tục 15 phút/lần thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, mạng lưới giám sát tình hình sâu, bệnh hại và thiên địch trên cây trồng, xây dựng được bản đồ sâu bệnh hại, thiên địch đặc trưng cho từng loại cây trồng, dựa vào tình hình diễn biến sâu, bệnh hại có thể dự báo và đưa ra các khuyến cáo về thời điểm xuống giống, thời điểm phun xịt và số lượng thuốc bảo vệ thực vật tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Mới đây, ngày 4/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ tỉnh Bến Tre tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; tổ chức sơ kết, đánh giá trước tháng 9/2023.
Bài cuối: Hướng đến phát triển bền vững