Canh tác "thuận thiên"
Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ngày càng gia tăng; trong đó, đáng lo nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng gay gắt, đe dọa nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Để thích ứng biến đổi khí hậu, người dân Trà Vinh dần thay đổi tập quán sản xuất, canh tác theo hướng "thuận thiên" để phát triển nông nghiệp bền vững.
Có thâm niên 20 năm nuôi tôm dưới tán rừng, ông Phạm Thái Bình, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, với đường bờ biển dài 65 km, tỉnh Trà Vinh rất lợi thế phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu làm thời tiết và môi trường thường xuyên thay đổi, khiến nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng lại "thuận thiên".
Cụ thể, tôm nuôi theo mô hình ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu; tôm thương phẩm sạch, bán được giá cao do đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đi đôi với hiệu quả kinh tế là hiệu quả về môi trường, nông dân vừa sản xuất vừa góp phần cùng cộng đồng bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, ngăn tình trạng biển xâm thực, tạo môi trường sinh thái bền vững cho cuộc sống, sản xuất vùng ven biển.
Hiện ông Bình đang nuôi tôm trên diện tích hơn 3 ha; trong đó, cây rừng chiếm hơn 30% diện tích. Mỗi năm gia đình ông thả giống tôm nuôi 4 đợt, mỗi đợt khoảng 50.000 con giống. Những tháng mùa mưa, nhiệt độ và độ mặn, ngọt của môi trường nước thường biến động dẫn đến tôm nuôi dễ bị thiệt hại, nên thay vì thả tôm, ông thả nuôi cua biển giống để đảm bảo có thu nhập thường xuyên. Bình quân mỗi ha nuôi tôm dưới tán rừng mang lại lợi nhuận cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng/năm.
Nhìn cánh đồng xanh mướt đang sinh trưởng phát triển tốt, ông Phan Văn Chí, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vui mừng đánh giá, vụ lúa và nuôi xen tôm, cua của gia đình năm nay trúng mùa. Cánh đồng lúa đang vào thời kỳ hình thành hạt gạo, bên cạnh đó nguồn tôm, cua nuôi xen đạt trọng lượng để thu hoạch không bị hao hụt, ruộng lúa xanh tốt. Ông Chí cho biết, trước đây, ông chỉ gieo sạ mỗi năm 1 vụ lúa, nên nguồn thu từ 8.000 m2 ruộng lúa không có bao nhiêu. Từ khi áp dụng hình thức trồng lúa nuôi xen tôm, cua, nguồn thu tăng gấp 2 lần. Những lúc trúng mùa lúa, tôm nguồn thu tăng lên gấp 3 lần, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.
Do lúa trồng theo hướng sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nên lúa luôn bán được giá cao. Con tôm được nuôi trong môi trường sạch nên hạn chế bệnh và không sử dụng hóa chất, kháng sinh giúp giảm giá thành vật tư đầu, tăng thu nhập cho gia đình. Ông Chí vui mừng nói, mô hình "con tôm ôm cây lúa" đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, tăng thu nhập lên 2-3 lần so với trước đây, mang về lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha/năm.
Cũng như bao nông dân khác ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, vợ chồng ông Võ Ngọc Bé (sinh năm 1972) và bà Lượng Thị Chung (sinh năm 1974) cũng có thâm nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên vụ được, vụ mất cứ liên miên do biến đổi khí hậu. Tận dụng các mặt nước ao nuôi có sẵn, vợ chồng ông Bé chuyển sang nuôi cá bông lau xen cá rô phi với diện tích 7.000 m². Năm 2017, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cộng với sáng kiến của riêng mình, ông Bé quyết định làm khô một nắng từ nguồn nguyên liệu có sẵn. Đồng thời, liên kết với thương lái, ngư dân và 150 hộ nuôi cá tại xã Thạnh Phong, An Điền và Mỹ An để tạo vùng nguyên liệu ổn định.
Từ cơ sở sản xuất nhỏ nay ông Bé và bà Chung đã thành lập công ty và sản xuất nhiều loại khô một nắng được thị trường ưa chuộng như cá lù đù, cá lưỡi trâu, cá bông lau và cá rô phi, cá bống cát… đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Mỗi tháng, công ty cung ứng thị thị trường trong và ngoài tỉnh từ 2,5 – 3,7 tấn; đồng thời, giải quyết việc làm cho 15 – 20 lao động tại địa phương.
Vươn mình phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, Bến Tre đặt tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030 là 6,5 - 7%/năm. Giá trị sản xuất 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 400 - 430 triệu đồng; lợi nhuận trên 1 ha đất nông nghiệp từ 150 - 260 triệu đồng. Toàn tỉnh có 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 5 huyện đạt huyện nông thôn mới nâng cao; 1 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 2,1%.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bến Tre sẽ tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hình thành các cơ sở, trang trại nuôi, trồng quy mô lớn gắn với phương thức sản xuất tiến tiến, bảo đảm số lượng, chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tỉnh phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nuôi trồng quy mô lớn, phù hợp môi trường sinh thái. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; trong đó, chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa một cách đồng bộ các khâu sản xuất, chú trọng bảo quản, chế biến, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; Phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra, triển khai chương trình khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Trong khi đó, giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Trà Vinh phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường vào năm 2050; đặc biệt, vùng nông thôn không còn hộ nghèo. Ngoài tăng tốc độ giá trị giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập của người dân nông thôn cao gấp 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm 1,5 - 2%/năm; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, giai đoạn này, tỉnh Trà Vinh định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Theo đó, địa phương sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển các chuỗi giá trọ, các mô hình nông nghiệp tiên tiến,…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp đang đứng trước các nguy cơ như biến đổi khí hậu, biến động về thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cả nước nói chung, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần đổi mới tư duy, có những hành động cụ thể; trong đó phải tổ chức lại sản xuất để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm; tăng cường hợp tác, liên kết giữa những người sản xuất và doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn phải lấy người dân làm chủ thể, trọng tâm phát triển. Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, thích nghi biến đổi khí hậu.
Tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh, điều quan trọng là cần có tư duy mới để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Lưu ý đến chất lượng giống cây trồng, kết hợp giữa hỗ trợ đầu vào với tạo đầu ra cho thị trường nông sản. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để gia tăng giá trị nông sản. Quan tâm nâng cao chất lượng nông sản phục vụ thị trường nội địa, đảm bảo chất lượng, uy tín, từ đó tiến xa hơn thị trường xuất khẩu. Có giải pháp tạo dựng niềm tin cho người nông dân, nâng cao nhận thức để củng cố lại hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tạo ra giá trị kinh tế nông nghiệp mới hội tụ với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ xanh và du lịch.
Để sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp thì người nông dân phải căn cứ nhu cầu của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm cần sản xuất. Quá trình sản xuất phải đảm bảo chất lượng để đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng. Người nông dân phải luôn tìm cách giảm chi phí hợp lý nhưng không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau khi thu hoạch người sản xuất cần cố gắng gia tăng giá trị cho nông sản,…