Xoay quanh vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Thưa ông, dịch COVID-19 được đánh giá là một cú hích làm thay đổi thói quen thanh toán. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Tuy gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nhưng tôi cho rằng đại dịch COVID-19 là một trong những động lực để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và giúp người dân nhìn nhận rõ vai trò của hoạt động thanh toán này.
Số liệu năm 2021 cho thấy tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua NAPAS lên tới 1,86 tỷ giao dịch và với số tiền giao dịch là 23,6 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2019 đến nay là 169% về số lượng giao dịch và 164% về giá trị giao dịch.
Trong bối cảnh đó, các hệ thống tổ chức tín dụng, các đơn vị trung gian thanh toán và kể cả các công ty tài chính tiêu dùng đang rất chủ động đầu tư thiết bị công nghệ để thực hiện cho chuyển đổi số. Họ coi đây là một nhiệm vụ chiến lược của mình. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng đã có điều kiện để giảm và thậm chí là miễn phí dịch vụ cho người dân trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.
Có thể thấy việc đầu tư công nghệ của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả hết sức khả quan và có tác động ngược trở lại phục vụ tốt dịch vụ cho người dân, đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt. Dù đôi khi còn xảy ra tình trạng gián đoạn giao dịch nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn và các tổ chức tín dụng đều đã lên tiếng thông báo và xin lỗi khách hàng. Tôi cho đây là sự đổi mới.
Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ số được triển khai mới như mở tài khoản online bằng phương thức xác thực điện tử (eKYC), thanh toán bằng mã QR, mở thẻ tín dụng online, cho vay online… được các tổ chức tín dụng triển khai. Nhưng hiện hành lang pháp lý cho các dịch vụ này còn chưa hoàn thiện nên chưa thể mở rộng và hoàn thiện dịch vụ.
Vấn đề chuyển đổi thẻ chip cũng được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh trong năm qua, tuy vậy, tốc độ chuyển đổi vẫn chưa đạt được như kế hoạch ban đầu. Đâu là những nguyên nhân chính thưa ông?
Khách quan mà nói, khi triển khai chuyển đổi thẻ chip vào giai đoạn gấp rút nhất thì chúng ta rơi vào vòng xoáy của dịch COVID-19 khiến việc đi lại giữa người dân với tổ chức tín dụng cũng khó khăn.
Bên cạnh đó, về nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng bản thân ngươi dân cũng chưa ý thức được rõ vì “thẻ vẫn sử dụng được bình thường, sao phải đổi” nên chưa chủ động đến làm việc với ngân hàng. Một nguyên nhân nữa khiến người dân không mặn mà gì việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là do họ sử dụng thanh toán qua ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động (app) quá tiện lợi nên nhu cầu dùng đến thẻ cũng giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong thời gian tới tôi nghĩ rằng tất cả các thẻ từ hết hạn sử dụng sẽ hết hiệu lực và lúc đó sẽ có một cái lộ trình để triển khai phù hợp hơn. Mặt khác, tôi cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần phải đẩy mạnh truyền thông đến người dân để họ hiểu được hiệu quả và tác dụng của việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, làm sao đảm bảo an toàn cho chính người dân và uy tín của ngân hàng.
Không thể phủ nhận những tiện ích của thanh toán không tiền mặt. Nhưng thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ việc mất tiền trong tài khoản hay bị lừa đảo qua các tin nhắn giả mạo ngân hàng… Ý kiến của ông ra sao trước thực trạng này?
An toàn, bảo mật là vấn đề hết sức quan trọng mà bản thân các tổ chức tín dụng cũng như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn quán triệt và chỉ đạo, cũng như là kêu gọi cho tổ chức tín dụng phải làm sao đảm bảo an toàn nhất.
Thời gian qua có hiện tượng kẻ gian lợi dụng sự tin tưởng khách hàng gửi đến điện thoại những tin nhắn giả mạo ngân hàng và yêu cầu khách hàng làm theo các bước.
Khi vụ việc lừa đảo xảy ra ở tổ chức tín dụng này thì tổ chức tín dụng khác không được thông tin kịp thời nên dòng tiền từ ngân hàng A chuyển sang ngân hàng B là rút ra luôn hoặc chuyển tiếp đến nhiều tài khoản khác.
Vì vậy, tôi cho rằng cần sự hợp tác hơn nữa giữa các nhà quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan ban ngành khác, kể cả Bộ Công an vào cuộc hỗ trợ.
Các tổ chức tín dụng còn kiến nghị thành lập một phòng chức năng hoặc một đơn vị chuyên môn để khi xảy ra những hiện tượng trên có thể “rung chuông” cảnh báo cấp tốc cho toàn hệ thống.
Để tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, theo ông cần phải làm gì?
Hiện nay, các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone hầu như đã phủ sóng khắp cả nước. Người dân đa số cũng đã sử dụng smartphone. Các tổ chức tín dụng, đơn vị trung gian thanh toán… đã triển khai eKYC.
Do đó, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, người dân có thể mở tài khoản bất cứ khi nào và giao dịch thanh toán online ngay lập tức.
Tôi cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán hàng ngày đã trở nên rất đơn giản. Từ mua mớ rau, con cá cũng không cần thiết phải dùng tiền mặt.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, theo tôi là làm sao truyền thông để người dân thấy được lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng thành thạo các công cụ thanh toán tiện ích đó, coi ngân hàng như là chiếc ví của mình.
Hầu hết các ngân hàng đều đang miễn phí giao dịch. Chưa kể, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone cũng đã triển khai dịch vụ tiền di động (mobile money). Như vậy, không chỉ thanh toán mà ngay cả việc vay vốn và giải ngân trong hạn mức tối thiểu, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân cũng được cung cấp, góp phần đẩy lùi cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
Trân trọng cảm ơn ông!