Nhiều dự án lớn của Việt Nam đã rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc do doanh nghiệp Trung Quốc thường dùng lợi thế giá rẻ để thắng thầu. Tuy nhiên, cùng với giá rẻ là tình trạng chậm tiến độ, đội giá, chất lượng thấp…
Bài 1: Nguy nhất là tổng thầu EPC
Phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc đã nguy nhưng nguy nhất là doanh nghiệp Trung Quốc lại trúng thầu EPC hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành kinh tế quan trọng như cơ khí, năng lượng, khai khoáng, hóa chất...
Trúng thầu nhờ giá thấp
Ngành cơ khí là công nghiệp nền tảng có vai trò và vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng nói về thực trạng phát triển của ngành công nghiệp nền tảng này, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) thừa nhận: "Ngành công nghiệp cơ khí bị ảnh hưởng nặng nề nhất về việc các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu các dự án công nghiệp và không giành phần việc nào cho cơ khí trong nước".
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn và chậm tiến độ. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Ông Thụ cho biết: Tính riêng từ năm 2003 đến 2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 49/62 dự án xi măng. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu, chỉ có 7 dự án không phải nhà thầu Trung Quốc. Đa phần các dự án trên đều bị chậm tiến độ, có dự án bị chậm đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp, thường bị thay thế. Nhiều dự án phải thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp, dẫn tới đội giá hợp đồng. Đáng chú ý, nhiều nhà thầu đã đưa vật tư sắt thép, phụ tùng, phụ kiện có thể chế tạo tại Việt Nam và cả lao động phổ thông sang các công trình mà họ làm tổng thầu.
Theo ông Thụ, Luật Đấu thầu đang ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất sứ về chất lượng thiết bị. Trong khi đó, năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế, chỉ thích chọn phương pháp đấu thầu EPC mà ngại trong việc tách các phần công việc, để có các gói thầu phù hợp với điều kiện nhà thầu trong nước làm được. Còn sau khi đã ký tổng thầu, công tác kiểm tra giám sát đánh giá năng lực nhà thầu của chủ đầu tư còn yếu, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm nhà thầu… Nhiều dự án thực hiện chỉ định thầu EPC là do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay từ Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản.
Hệ lụy là chậm tiến độ, đội vốn...
Đối với ngành giao thông, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc tại các dự án giao thông là không lớn. Hiện có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu với tổng giá trị gần 30.000 tỷ đồng đang thực hiện ở Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC trong nhiều dự án lớn là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam đã tăng từ mức 15,9% năm 2001 lên 84,5% năm 2006 và 136% vào năm 2011. |
Tuy nhiên, các dự án mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thực hiện đều là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó lớn nhất là tại dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc, tiếp đến là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Đa phần các dự án này đều phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ và đội vốn. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008), trong đó, vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD do Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự án này khởi công từ tháng 8/2008 và dự kiến hoàn thành tháng 11/2013. Tuy nhiên, với lý do chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, nhiều hạng mục thay đổi, biến động về giá nguyên liệu... khiến cho tổng mức đầu tư dự án đến thời điểm này đã bị đội giá từ 552 triệu USD lên mức 891 triệu USD.
Nhiều dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công cũng chung “số phận” chậm tiến độ, đội vốn và kém chất lượng... Thậm chí, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã từng kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng, đặc biệt nhấn mạnh tới những yếu kém của các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Lý do chậm được hiệp hội này đưa ra, do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.
Nguồn thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy, đặc điểm chung nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành này quản lý, làm chủ đầu tư, dù được nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ nhưng lại bị chậm tiến độ gây thiệt hại khó thống kê được. Như nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và đầu tư như nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18 - 24 tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất... Điều này được thể hiện qua việc nhiều dự án điện bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành. Điều đáng nói, việc chậm tiến độ đối với những dự án trong lĩnh vực năng lượng thậm chí còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhóm PV
Bài 2: Chặn nhà thầu yếu kém