Cụ thể: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được chấp thuận điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 8,5% lên 12,1% năm 2021; MBBank cũng được đồng ý mức dư nợ tín dụng tối đa đến hết năm 2021 từ 10,5% lên 15%.
Các ngân hàng được nới room tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel (Basel II), một số đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng luôn tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này xây dựng kế hoạch và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch kinh doanh của ngân hàng.
Trong văn bản chấp thuận hạn mức tăng trưởng mới cho một số ngân hàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng cần tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiền gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.... giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ...
Trước đó, tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, một số ngân hàng kiến nghị được cấp thêm room tín dụng vào những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm.
“Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Nguyễn Thanh Tùng đề xuất.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết: Dựa trên kiến nghị của các ngân hàng, NHNN đã đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.
Đầu năm 2021, NHNN đặt mục tiêu ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng 12% để định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên cơ quan quản lý cho biết, trong điều kiện dịch bệnh được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn.